(HNM) - Năm nay, lần đầu tiên việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình định kỳ hằng năm của đảng viên sẽ gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng".
Ngày 4-11-2013, Ban Tổ chức TƯ đã ban hành Hướng dẫn số 22-HD/BTCTƯ hướng dẫn cụ thể về việc này và ngày 14-11, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 104-KH/TU về "Kiểm điểm tự phê bình, phê bình năm 2013 gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng".
Hiện nay, các cấp ủy địa phương đang triển khai thực hiện các hướng dẫn, kế hoạch trên nhằm hoàn thành việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình trước ngày 31-12-2013. Hầu hết cấp ủy trực thuộc Thành ủy đều xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, trong đó, nhiều nơi nêu rõ yêu cầu, việc kiểm điểm gắn với Nghị quyết TƯ 4 phải khác với kiểm điểm tự phê bình, phê bình những năm trước. Chẳng hạn, Kế hoạch số 79-KH/QU của Quận ủy Hoàn Kiếm nêu rõ: "Trong kiểm điểm tập thể, cá nhân, nhất là các đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo phải kiểm điểm làm rõ kết quả khắc phục, sửa chữa yếu kém, khuyết điểm đã được kết luận hoặc mới phát sinh sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và đề ra nhiệm vụ giải pháp khắc phục". Quận ủy Hoàn Kiếm còn nêu rõ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát đối với từng đảng viên việc thực hiện yêu cầu này. Chưa bàn đến kết quả, nhưng xem cách triển khai thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 như vậy đã thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy.
Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế tại cơ sở, việc triển khai thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo hướng dẫn của TƯ và chỉ đạo của Thành ủy tại một số tổ chức cơ sở đảng chưa thật đổi mới. Có nơi chỉ gửi cho đảng viên mẫu bản kiểm điểm cá nhân, phiếu xin ý kiến chi ủy và ban công tác mặt trận nơi cư trú mà không hướng dẫn cụ thể cho đảng viên về những nội dung cần tập trung, làm rõ theo Nghị quyết TƯ 4. Cầm các tài liệu được phát xong, một số đảng viên cho rằng: "Nếu kiểm điểm thế này thì sẽ không khác gì so với năm trước". Có lẽ chỉ mang tính thiểu số nhưng hiện tượng này cần được chấn chỉnh ngay vì đây là lần đầu tiên đảng viên thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Thay vì làm hai bản kiểm điểm, đảng viên chỉ phải làm một bản kiểm điểm cá nhân. Hai bản kiểm điểm gộp làm một, về mặt lý thuyết đã đòi hỏi sự khác biệt cả về chất và lượng của văn bản này.
Năm đầu tiên thực hiện kiểm điểm, tự phê bình, phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 đòi hỏi sự quan tâm kiểm tra, giám sát một cách nghiêm túc của cấp ủy các cấp để công tác này đạt yêu cầu đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.