Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để tồn tại trong thị trường hội nhập: Doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới

Đặng Loan| 04/03/2016 09:01

(HNM) - Các chính sách vĩ mô được đánh giá là đang đi đúng hướng, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể kỳ vọng về sự tăng trưởng đột phá trong năm 2016.

Sản xuất ở Công ty Nidec, Nhật Bản, Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh.Ảnh: Hà Trần


Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2016, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 3-3, tại TP Hồ Chí Minh. Và nữa, chuyện “thắng” hay “thua” trên thương trường chưa hẳn tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tư duy đổi mới, sáng tạo.

Cần doanh nghiệp lớn dẫn dắt

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế năm 2016 còn nhiều tồn tại bởi sự hồi phục từ năm 2015 chưa chắc chắn. Nguyên nhân là tăng trưởng đến từ khu vực có nguồn vốn nước ngoài (FDI), trong khi đó khu vực trong nước - đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân - còn khó khăn.

"Các doanh nghiệp (DN) của chúng ta ngày càng nhỏ đi về cả tầm vóc và quy mô. Trong môi trường hội nhập sâu rộng, nhỏ đi thì "chiến đấu" thế nào với các đối tác rất mạnh từ Mỹ, EU, Hàn Quốc? Làm sao chúng ta tận dụng được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký..?" - ông Thiên trăn trở. Cũng theo ông Trần Đình Thiên, trong cấu trúc DN Việt Nam đang thiếu một tuyến quan trọng là DN tư nhân lớn, mang tính trụ cột.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, trước "cuộc chơi" mang tính toàn cầu, DN Việt Nam phải cạnh tranh sòng phẳng khi vừa nhỏ yếu vừa sinh sau đẻ muộn. Chính vì vậy, có những DN lớn dẫn dắt là rất cấp thiết.

Theo TS Trần Du Lịch, năm 2016 còn nhiều khó khăn nên chưa thể kỳ vọng về một sự tăng trưởng đột phá nào đó nhưng hy vọng sẽ là khởi đầu tốt cho kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và nhất là tạo điều kiện cần thiết cho giai đoạn phát triển mới khi TPP có hiệu lực.

Phải dựa vào nội lực

Theo ông Trần Du Lịch, không một nước nào trở thành nước phát triển nếu lại dựa vào nguồn vốn FDI, bởi nguyên tắc là muốn phát triển phải dựa vào nội lực. Đồng thời, "thắng" hay "thua" trên thương trường chưa hẳn tùy thuộc vào quy mô DN lớn hay nhỏ mà còn phụ thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. DN kỳ vọng Nhà nước tạo ra được môi trường, thể chế kinh tế nuôi dưỡng, kích thích sự sáng tạo. Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cho rằng, phải nhìn vào hai mặt, trước hết là chính sách phát triển nhưng bản thân DN phải nhìn lại mình trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

TS Trần Du Lịch nhận xét, những lo lắng của DN tập trung vào vấn đề lãi suất huy động đang tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay tăng. Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết: Áp lực lãi suất trong năm 2016 là rất lớn. Trong điều kiện như vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng, giữ mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016.

"Bước vào năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước xu hướng Nhà nước ngày càng phát huy vai trò "bà đỡ" cho thị trường, khắc phục những khuyết tật của thị trường, để DN yên tâm hơn" - ông Trần Du Lịch nói. Về đạo luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ gắn với công nghiệp hỗ trợ, ông Lịch cho biết, chắc chắn sẽ được thực hiện trong năm 2016. Còn Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh: "DN vẫn khó khăn nên năm nay Nhà nước phải đẩy mạnh hỗ trợ để DN phát triển bền vững".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để tồn tại trong thị trường hội nhập: Doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.