Tuyển sinh

Đề tiếng Anh bám sát xu hướng đánh giá năng lực, dự đoán không nhiều điểm 10

Thống Nhất 08/06/2024 - 17:25

Môn ngoại ngữ vốn được coi là thế mạnh của nhiều thí sinh Hà Nội, tuy nhiên, đề tiếng Anh năm nay mang tính phân hóa cao, bám sát xu hướng đánh giá năng lực, giáo viên dự đoán sẽ khó có nhiều điểm 10 như mọi năm.

Chiều nay, 8-6, hơn 105.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn ngoại ngữ, môn thi thứ hai của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.

Môn ngoại ngữ vốn được coi là thế mạnh của nhiều thí sinh Hà Nội, tuy nhiên, đề tiếng Anh năm nay mang tính phân hóa cao, bám sát xu hướng đánh giá năng lực, giáo viên dự đoán sẽ khó có nhiều điểm 10 như mọi năm.

Tăng cường giám sát

Bài thi môn ngoại ngữ có thời gian làm bài 60 phút, làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đưa con dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Thăng Long (quận Hai Bà Trưng), bà Nguyễn Thị Hoa Lan nhận định, thuận lợi với thí sinh Hà Nội là có đến 5 lựa chọn để đăng ký thi môn ngoại ngữ, chứ không bắt buộc là tiếng Anh, gồm: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.

thi-10-3.jpg
Thí sinh Hà Nội tự tin với môn ngoại ngữ. Ảnh Lê Cường

Rút kinh nghiệm từ môn ngữ văn khi có tới 2 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật do mang điện thoại di động vào phòng thi, trong giờ thi môn ngoại ngữ, các điểm thi tăng cường giám sát khâu coi thi.

Bà Bùi Thùy Linh, Trưởng điểm thi Trường Trung học cơ sở Dương Xá (huyện Gia Lâm) cho biết, đầu mỗi buổi thi, lãnh đạo điểm thi đều nhắc nhở cán bộ coi thi thực hiện nghiêm quy chế và hướng dẫn nghiệp vụ để làm gương cho thí sinh.

“Lãnh đạo điểm thi cũng lưu ý cán bộ coi thi khi gọi thí sinh vào phòng thi cần phổ biến lại danh sách các vật dụng cấm mang vào phòng thi. Trước khi phát đề, cán bộ coi thi nhắc lại lần nữa yêu cầu này đồng thời cũng khuyến cáo các em nếu mang theo một trong các vật dụng cấm (như điện thoại di động hoặc tài liệu) thì dù sử dụng hay chưa sử dụng đều sẽ bị đình chỉ thi” - bà Bùi Thùy Linh thông tin.

thi-10-2.jpg
Các lực lượng hỗ trợ, giám sát bên ngoài các điểm thi. Ảnh Lê Cường

Không chỉ tăng cường giám sát bên trong phòng thi, các lực lượng phía bên ngoài phòng thi cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm nhằm bảo đảm trường thi an toàn. Hơn 600 cán bộ thanh tra tại các điểm thi tiếp tục cắm chốt tại 201 điểm thi theo nguyên tắc dưới 20 phòng thi có 2 thanh tra, từ 20 phòng thi đến 30 phòng thi có 3 thanh tra; từ 31 phòng thi đến 40 phòng thi có 4 thanh tra...

Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin, đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng thì số lượng thanh tra có thể nhiều hơn.

Độ khó nhỉnh hơn các năm

Rời điểm thi Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) với nụ cười rạng rỡ, thí sinh Đinh Thị Phương Thảo cho biết, đề thi không quá dài, nhưng có một số câu hỏi mang tính phân hóa cao. "Những bạn học thật chắc và nắm vững kiến thức ngữ pháp mới có thể đạt điểm tối đa. Dù kết quả thế nào thì em cũng đã hoàn thành được 2/3 chặng đường kỳ thi vào lớp 10 năm nay. Em sẽ cố gắng duy trì thể lực và tinh thần tốt để bước vào môn thi thứ ba - môn toán, cũng là môn thi cuối cùng vào sáng mai", Thảo nói.

thi-nn-1.jpg
Thí sinh Hà Nội hoàn thành 2 trong số 3 môn thi của kỳ thi vào lớp 10. Ảnh Lê Cường

Dự đoán được khoảng 8 điểm, thí sinh Nguyễn Đức Thắng, dự thi tại điểm Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) chia sẻ, đề thi có cấu trúc quen thuộc, khoảng 70% số câu hỏi ở mức độ vận dụng, thông hiểu thì vừa sức với đa số thí sinh. Số câu hỏi còn lại khá khó, không phải thí sinh nào cũng có thể giải quyết.

Về độ khó của đề thi, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Diệp, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho rằng, các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu là các câu hỏi ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng cơ bản, nằm trong chương trình học. Tuy nhiên, để làm tốt các câu hỏi vận dụng - vận dụng cao, học sinh trong quá trình học cần tích lũy và mở rộng kiến thức. Có lẽ, kỳ thi này sẽ không xuất hiện nhiều điểm 10 như vài năm trước.

Theo thầy giáo Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh, Hệ thống giáo dục Hocmai, đề thi bám sát xu hướng đánh giá năng lực, dự kiến không xuất hiện nhiều điểm 10 như các năm trước. Để hoàn thành bài thi này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp và từ vựng, thuần thục kỹ năng làm bài.

Thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành môn ngoại ngữ. Ảnh: Nguyễn Khắc Tường

Về cơ bản, đề thi năm nay giữ ổn định cấu trúc như các năm trước và tương tự với đề minh họa do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi đây là năm cuối cùng học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Tuy nhiên, đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn so với năm trước và phù hợp với mục tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông.

Phạm vi kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình tiếng Anh lớp 9, phần còn lại nằm rải rác ở các lớp thuộc cấp trung học cơ sở. Trong đề xuất hiện một số dạng câu hỏi mang tính thực tiễn. Đáng chú ý, dạng bài điền từ có hình thức mới, không phải là một đoạn văn như mọi năm mà ngữ liệu là một thông báo về khóa học. Có lẽ đây cũng là điểm mới trong đề để chuẩn bị bước sang năm 2025 - năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề thi không xuất hiện câu hỏi đánh đố hay quá khó. Với đề thi này, thí sinh cần phải nắm chắc các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp nền tảng, học sâu, hiểu kỹ bản chất; kỹ năng xử lý các dạng bài tốt thì mới có thể đạt điểm cao.

Sáng mai, từ 8h, thí sinh làm bài thi môn toán, thời gian làm bài 120 phút theo hình thức tự luận.

Không có thí sinh vi phạm quy chế

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vào lúc 15h30 ngày 8-6, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi ở môn ngoại ngữ. Số thí sinh đến dự thi là 105.452 em, đạt tỷ lệ 99,56%. Có 459 thí sinh vắng thi. Tình hình tổ chức thi tại điểm thi trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề tiếng Anh bám sát xu hướng đánh giá năng lực, dự đoán không nhiều điểm 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.