Nông thôn mới

Để thực sự là “phao cứu sinh”

Bạch Thanh 11/07/2023 - 07:21

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là “phao cứu sinh” đối với nông dân, giúp kinh tế nông thôn phát triển ổn định.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, cần tăng thêm nguồn vốn tín dụng chính sách ở nông thôn, nhất là khi kinh tế, thị trường khó khăn như hiện nay.

sx.jpg
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại xã Hồng Dương.

Hiệu quả của nguồn vốn chính sách

Đến thăm cơ sở may công nghiệp của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Châm ở thôn Ba Dư, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy không khí làm việc nơi đây luôn vui vẻ và sôi động. Mỗi ngày cơ sở sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 300-500 bộ quần áo. Khi mới thành lập, cơ sở chỉ có 10 lao động, đến nay đã giải quyết việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Châm cho biết, thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hồng Dương, cơ sở được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm. Vốn có kiến thức về thời trang, đồ họa, chỉ trong vòng 2 năm, chị đã gây dựng được thương hiệu thời trang của riêng mình. “Tôi mong thời gian tới, đồng vốn chính sách sẽ ngày càng dồi dào, có thêm nhiều thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công”, chị Châm bày tỏ.

Giống như chị Nguyễn Thị Ngọc Châm, nhờ được tiếp cận vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nông dân đã cải thiện được điều kiện kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ trang trại gà ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai cho biết, anh được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách của chương trình giải quyết việc làm (50 triệu đồng) và chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường (20 triệu đồng). Nhờ có các nguồn vốn này, gia đình anh đã đầu tư nuôi và bán gà giống, cho thu nhập cao...

Cũng được tiếp cận vốn tín dụng chính sách, anh Nguyễn Chí Hiền, ở tổ dân phố An Phú, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết, với 50 triệu đồng được vay từ chương trình giải quyết việc làm, gia đình anh đã đầu tư hệ thống tưới tự động và làm nhà lưới cho 2 sào rau. “Vùng rau của thị trấn Chúc Sơn luôn xanh tốt, an toàn, được đầu tư cơ giới hóa như hôm nay, là nhờ sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội…”, anh Nguyễn Chí Hiền nói.

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Oai, đơn vị đã giúp cho hàng nghìn nông dân trên địa bàn huyện Thanh Oai hình thành các mô hình kinh tế nông thôn, như trồng nấm, rau an toàn, lúa chất lượng cao, kim cơ khí, may mặc…

Còn theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ Quách Thiên Dũng, hiện tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt khoảng 700 tỷ đồng. Với 10 chương trình tín dụng đã giúp 14.986 hộ vay vốn, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,8%/năm. Thông qua các chương trình cho vay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 14.986 lượt hộ gia đình vay vốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tiếp tục tập trung vốn cho giải quyết việc làm

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Quốc Cương, giờ đây, người dân không chỉ sản xuất nhỏ lẻ, mà hướng tới xanh - sạch - tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Trong xu hướng ấy, tín dụng chính sách đã và đang phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực cho nông dân và các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới, Nhà nước cần tăng thêm nguồn cho tín dụng chính sách ở nông thôn, bởi đây là trụ đỡ quan trọng giúp kinh tế nông thôn ổn định và phát triển.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu, tổ trưởng tổ vay vốn thôn Ngọc Đình, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, muốn trụ vững trong sản xuất nông nghiệp, người dân phải đầu tư bài bản, từ máy móc, trang thiết bị, đến ứng dụng kỹ thuật, công nghệ... Do đó, để kinh tế nông thôn bứt phá, tín dụng chính sách cần phải tăng trưởng hơn nữa và các mô hình kinh tế nông thôn tốt cần được vay tăng từ 50 triệu đồng lên từ 100 đến 200 triệu đồng/mô hình.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, tính đến ngày 30-6-2023, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt 13.670 tỷ đồng, tăng 896 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.039 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 2.155 tỷ đồng, bằng 71% doanh số cho vay. Tất cả các đơn vị thuộc hệ thống đều có tăng trưởng dư nợ tín dụng so với đầu năm. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho 64.149 lượt khách hàng vay vốn, trong đó cho vay giải quyết việc làm là 47.490 lượt khách hàng, thu hút 47.500 lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 16.477 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây dựng mới 32.954 công trình nước sạch, công trình vệ sinh...

“Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục nâng doanh số cho vay và nghiên cứu nâng số tiền được vay của các mô hình”, ông Phạm Văn Quyết cho hay.

Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa cho khu vực kinh tế nông thôn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố sẽ tiếp tục tập trung vốn cho công tác giải quyết việc làm, cùng các chương trình tín dụng nâng cao chất lượng sống. Đây sẽ là những động lực góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để thực sự là “phao cứu sinh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.