“Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng lại nô nức tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Xuân Giáp Thìn 2024, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch trồng khoảng 450.000 cây xanh các loại; trồng bổ sung 20-30ha rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có để Thủ đô ngày càng thêm xanh, thêm đẹp.
Trồng cây mang lại nhiều lợi ích
Ngày 28-11-1959, hướng tới việc thi đua lập thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước: “Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều”...
Ngay Tết Canh Tý năm 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” đầu tiên và Người đã cùng nhân dân Thủ đô trồng cây đa ở Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Từ “Tết trồng cây” đầu tiên, đến giờ phong trào ý nghĩa này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều thế hệ. Phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân quan tâm bằng nhiều hành động cụ thể, gắn với tên gọi “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm cho biết, từ “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động, nhiều năm qua, nhân dân Hà Nội đã tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh và bảo vệ rừng. Đặc biệt, để phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 đạt hiệu quả cao, ngày 12-12-2023, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 14838/VP-KTN về việc xây dựng kế hoạch chung trồng cây đầu xuân. Theo đó, thành phố đề ra mục tiêu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ; trồng 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung 20-30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Trong đó, riêng đợt ra quân đầu năm, toàn thành phố trồng 100.000-120.000 cây xanh các loại.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã, đơn vị căn cứ vào thực tế, tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” từ ngày 15 đến 24-2-2024. Thời gian trồng cây có thể kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10. Về chủng loại cây, đối với trồng rừng là lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, de, mỡ; trồng cây bóng mát là muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, ban;…
Đối với các địa phương có tổ chức lễ hội đầu xuân, cần kết hợp lồng ghép với lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Địa điểm tổ chức phát động phong trào trồng cây là các khu di tích lịch sử, văn hóa, các khu đô thị mới, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven trục giao thông… Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.
Đồng loạt phát động
Hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, sáng 15-2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn) cán bộ, công nhân viên chức và người dân các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã nô nức tham gia.
Tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), từ 9h30 ngày 15-2, hơn 200 cán bộ, người dân và học sinh đã có mặt ở Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú tham gia lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, các em học sinh và người dân đã trồng hàng chục cây xanh xung quanh sân trường.
Em Nguyễn Khắc Tài, học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú cho biết: “Việc trồng cây đầu năm mang ý nghĩa lớn đối với lớp trẻ, trồng cây luôn gắn với trồng người. Bởi, ngoài việc cung cấp ô xy, ngăn và lọc bụi, giảm tiếng ồn, cây xanh còn có nhiều giá trị khác cho cuộc sống quanh ta. Do vậy, thời gian tới, chúng em sẽ tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc tốt cây xanh đã trồng để sân trường luôn rợp bóng mát”.
Năm 2024, huyện Sóc Sơn phấn đấu trồng mới 30.000 cây xanh các loại và chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà thông tin, UBND huyện đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho mỗi xã, thị trấn trồng mới 900 cây xanh, bệnh viện, trạm y tế và các cơ quan, đơn vị trồng 500 cây xanh.
“Phong trào được phát động nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm mới, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc góp phần giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…”, bà Hoàng Thị Hà khẳng định.
Không chỉ khu vực ngoại thành mà các quận cũng đồng loạt ra quân trồng cây đầu xuân. Sáng 15-2, trong lễ phát động của quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Xuân Hà nhấn mạnh: “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận trong ngày ra quân sản xuất đầu năm mới, nên các phường, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn phải tổ chức nghiêm túc; đồng thời, động viên toàn dân tham gia theo phương châm trồng cây nào sống tốt cây đó. Năm 2024, quận Hà Đông phấn đấu trồng hơn 2.100 cây xanh đô thị và cây ăn quả các loại.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng, trồng cây đầu xuân là nét đẹp truyền thống được quận duy trì hằng năm. Trong lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 tại Vườn hoa Tao Đàn (phường Phan Chu Trinh), quận trồng 3 cây hồng mỹ nhân, sau đó triển khai đồng loạt trên các phường, cơ sở giáo dục trên địa bàn.
“Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã trở thành nét đẹp văn hóa trên cả nước trong những năm qua. Đặc biệt, tại Hà Nội, việc duy trì phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm đang giúp Thủ đô ngày càng trở nên xanh, đẹp hơn!
Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế:
Chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” cho Thủ đô
Vườn quốc gia Ba Vì đang quản lý hơn 9.700ha rừng, thuộc địa giới hành chính của thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình. Vườn có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng với 2.181 loài cây gỗ, 503 loài cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư và 552 loài côn trùng. Vườn quốc gia Ba Vì đang bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên còn nguyên vẹn của rừng cấm; trồng mới, phục hồi, bảo vệ rừng và các nguồn gen động, thực vật quý hiếm.
Thời gian qua, Vườn quốc gia Ba Vì được bảo vệ nghiêm ngặt, không phát hiện vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Hằng năm, Vườn đều trồng thêm cây xanh để nâng độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường. Hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, ngày 15-2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Vườn quốc gia Ba Vì đã chuẩn bị cây và phân công lực lượng trồng 318 cây phân tán thuộc 12 loài và 350m2 thảm cỏ, góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” cho Thủ đô.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên:
Nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội
Hà Nội có 27.162ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 7 huyện, thị xã là: Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Rừng ở Hà Nội được ví như “vành đai xanh” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngành Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển rừng bền vững giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ che phủ rừng ở mức 5,67-6,2%.
Để đạt mục tiêu này, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng. Chi cục xây dựng kế hoạch và triển khai tới các địa phương trồng rừng tập trung 20-30ha/năm, trồng 400.000 cây phân tán/năm… Đồng thời, yêu cầu các chủ rừng chọn, tạo giống cây theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng rừng.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Đoàn Thị Thịnh:
Tuyên truyền để nhân dân tích cực trồng cây xanh
Yên Bình là xã dân tộc, miền núi của Thủ đô Hà Nội. Hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã phát động tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn dân tích cực tham gia trồng cây đầu xuân.
Năm 2024, xã Yên Bình phấn đấu trồng 1.000 cây phân tán. Để trồng cây đầu năm đạt hiệu quả, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang chọn trồng cây bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ như: Sao đen, long não, lim, sưa hoa đỏ, lát hoa, sấu, trám, de, mỡ… Cây xanh được trồng bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tán đẹp, sạch bệnh, tập trung tại những địa điểm như sân nhà văn hóa, trên trục đường làng, đường giao thông nội đồng...
Vì xã Yên Bình có diện tích đất lâm nghiệp lớn nên chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng bổ sung diện tích rừng đã thu hoạch; cải tạo các vườn tạp…; tổ chức hiệu quả phong trào trồng cây đầu xuân và trồng rừng.
Mai - Hoàng ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.