Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để thị trường nhà ở phát triển lành mạnh

An Tôn| 17/02/2023 17:43

(HNMO) - Thị trường nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều khó khăn khi nguồn cung thấp, thiếu phân khúc nhà ở bình dân, giá căn hộ neo quá cao... Các cấp, các ngành của thành phố đang cùng giải quyết vấn đề này.

Thị trường nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn trong phát triển.

Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc phát triển nhà ở trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân; chưa đa dạng được sản phẩm nhà ở. Quá trình triển khai các dự án cũng chưa có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Vì vậy, thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030; và kế hoạch phát triển nhà hằng năm. Mục tiêu đến năm 2025 đạt 23,5m2 nhà ở/người (hiện nay là 21,4m2 nhà ở/người). Trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, phấn đấu đạt 50 triệu m2 nhà ở. 

Trong 2 năm qua, số dự án mới triển khai không nhiều.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022, thành phố chỉ thực hiện được 28% kế hoạch và khó đạt chỉ tiêu phát triển 13 triệu m2 nhà ở mỗi năm từ nay đến năm 2025 như đã đề ra. Trong số 28.000 căn hộ tại 47 dự án đưa ra thị trường giai đoạn 2021-2022 chủ yếu là nhà giá cao. Hiện trên thị trường không có nhà chung cư giá dưới 40 triệu đồng/m2, khiến phân khúc nhà ở bình dân thiếu trầm trọng, dù đây là phân khúc có nhu cầu lớn nhất.

Chị Vũ Kiều Linh từ Đà Nẵng chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, muốn tìm mua căn hộ khoảng 120m2, 3 phòng ngủ tại các quận ven trung tâm như quận 7, Gò Vấp hay thành phố Thủ Đức nhưng không thể tìm được người bán với giá mong muốn. Chị cho biết: “Chung cư bình thường khoảng 45 triệu/m2. Chung cư tốt hơn chút thì 60-70 triệu/m2. Chung cư cao cấp lên đến 100-130 triệu/m2… Tôi không thể mua được nhà”. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhận định, một số vướng mắc pháp lý khiến số dự án nhà ở giảm, nhất là nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu bình dân. Một số doanh nghiệp bất động sản định hướng chưa sát nhu cầu thị trường, nên chỉ đưa ra sản phẩm nhà ở phục vụ thị trường trung cấp, cao cấp. Điều này khiến sự lệch pha cung cầu ngày càng lớn; nguồn cung nhà chưa dồi dào. “Dự báo trong năm 2023, thị trường nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn”, ông Bùi Xuân Cường nhận định.

Giải quyết từng vấn đề

Nhu cầu nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, các dự án cần gỡ vướng để triển khai.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, những khó khăn trên thị trường nhà ở của thành phố xuất phát từ việc có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh đến thị trường, như Luật Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đấu thầu… Cùng với đó, nhiều dự án vướng mắc vì triển khai trong thời điểm “giao thời” giữa hai giai đoạn có quy định khác nhau, nay phải rà soát hồ sơ pháp lý mất nhiều thời gian, khiến nguồn cung nhà giảm, giá cao…

“Thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án bất động sản, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn thị trường nhà đất họp hằng tuần tìm giải pháp tháo gỡ. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án, cấp sổ hồng cho người mua nhà. Kêu gọi các doanh nghiệp cơ cấu lại phân khúc sản phẩm phù hợp nhu cầu thực tế của thị trường”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nói.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội.

Cùng với đó, thành phố tập trung triển khai 18 dự án nhà ở xã hội. Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin: “Sở đã tham mưu và được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận rút ngắn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội. Trường hợp doanh nghiệp có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì gồm 5 bước, tổng thời gian thực hiện khoảng 160 ngày. Trường hợp đất do nhà nước trực tiếp quản lý, được đầu tư xây dựng không phải bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì gồm 7 bước, thời gian thực hiện khoảng 320 ngày”.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Khiết, ngay trong năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh sẽ cải tạo xây mới 16 chung cư cũ. Sở sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 tại các khu vực xây dựng lại nhà chung cư; lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc khu chung cư để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư.

Góp ý về một số vấn đề trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng việc dự thảo không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư đã giúp cho người dân yên tâm hơn khi mua căn hộ tại các dự án, góp phần tăng sức mua thị trường. 

Người mua nhà mong muốn được xác lập quyền sở hữu lâu dài với căn hộ, kể cả khi chung cư xuống cấp, cần cải tạo, xây mới.

Tuy nhiên, dự thảo lại quy định “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư" hoặc "UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý", hoặc "xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu"… Theo HoREA, đây thực chất là một hình thức khác quy định về thời hạn sử dụng chung cư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất: “Nguyện vọng của đa số người dân mong muốn được sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn, gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Rất mong các quy định pháp luật khẳng định điều này để cho các chủ sở hữu nhà chung cư yên tâm, từ đó phát triển thị trường nhà ở lành mạnh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để thị trường nhà ở phát triển lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.