(HNM) - Ngày đầu tiên của đợt thi đại học (ĐH) thứ hai, số thi sinh (TS) dự thi gần 600.000 người, đạt tỷ lệ dự thi là 77,07%.
Đề thi đòi hỏi vận dụng thực tế
Đáng chú ý là đề thi môn địa lý, như mong đợi của nhiều người, có nội dung gắn với thực tiễn, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bao gồm vấn đề tài nguyên biển của Việt Nam, ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản của ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa đối với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền. TS Trần Mai Hà, dự thi Trường ĐH Công đoàn, khá hài lòng với bài làm môn địa lý, cho biết: Các câu hỏi lý thuyết đều đòi hỏi TS phải vận dụng kiến thức thực tế thì mới có thể đạt điểm cao. Đáng chú ý, đề thi yêu cầu lý giải vì sao "tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt" và trình bày các hướng giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta.
Ảnh: Triệu Hoa |
Với đề thi môn sinh học của khối B, nhiều TS đánh giá là vừa dài, vừa khó, đặc biệt là bài tập về di truyền, phân ly độc lập. Đề tiếng Anh của khối A1 được cho là "dễ thở" hơn rất nhiều so với của khối D - dù không có nhiều cấu trúc lạ song lại có nhiều từ vựng mới.
Năm nay, đề thi lịch sử có sự khác biệt, không có phần tự chọn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cách ra đề như vậy cũng có tính hai mặt. Một mặt, với một đề chung, các TS được đối xử bình đẳng, đề ra rõ ràng, tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc trong quá trình làm, như các năm trước đã có thí sinh bị nhầm nên đã làm cả hai câu trong phần tự chọn, dẫn đến điểm không cao; mặt khác, thí sinh ít có cơ hội lựa chọn nội dung mà mình học kỹ nhất, hoặc yêu thích nhất. Tuy vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, ĐH KH-XH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), đề thi có tính sáng tạo, không đặt nặng việc học thuộc mà thiên về phân tích, tư duy trên cơ sở nắm được vấn đề. Đặc biệt, câu liên hệ về vai trò, vị trí và chức năng của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình ở khu vực như thế nào là câu hỏi hay, có liên hệ khéo léo với thực tế đấu tranh giữ vững chủ quyền trên biển Đông và vấn đề an ninh khu vực hiện nay. TS muốn trả lời đúng và hay thì cần đọc thêm ngoài sách vở, nắm bắt các vấn đề thời sự để đưa vào phân tích, bình luận. "Dạng đề này giúp kích thích sự sáng tạo trong việc học, đặt ra một vấn đề: Học lịch sử ở bậc THPT hiện nay cần có sự thay đổi, không chỉ học lý thuyết mà còn cần lồng ghép, gắn với các vấn đề thực tiễn. Các sự kiện, vấn đề lịch sử được thể hiện tươi mới và rõ tính thời đại hơn. Làm được điều đó thì dạy và học lịch sử ở THPT mới sinh động, hấp dẫn, giúp định hướng và giáo dục ý thức cho giới trẻ", TS Nguyễn Quang Liệu nói.
Về kỷ luật phòng thi, theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa, Đinh Thị Vân Chi, không có nhiều hiện tượng gian lận bằng thiết bị công nghệ cao như đợt thi thứ nhất, kỷ luật phòng thi sẽ được bảo đảm nếu giám thị thực hiện đúng quy trình, quy định.
Hôm qua, theo thông tin từ một số trường tại Hà Nội như ĐH Công đoàn, ĐH Văn hóa, ĐH Hà Nội…, nhìn chung kỷ luật trường thi được bảo đảm, những vi phạm được xử lý kịp thời.
(HNM) - Chiều ngày 9-7, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo nhanh về công tác phục vụ nhu cầu đi lại của các thí sinh và người thân trong dịp tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014. Theo đó qua 2 đợt thi (vào các ngày 4, 5-7 và 9, 10-7), nhu cầu đi lại của thí sinh và người thân tăng cao nhưng trên địa bàn không xảy ra hiện tượng quá tải, ùn tắc nghiêm trọng. Vào một số thời điểm trong ngày thi, trên các tuyến đường Phạm Hùng, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Trãi… có sự ùn tắc cục bộ do lượng người dồn về đông. Tuấn Lương |
Thêm khối, ngành đáp ứng nhu cầu của thí sinh
Trong ngày thi đầu tiên của đợt hai, hỏi chuyện các nhà trường mới thấy bức tranh tổng thể về khối, ngành đã có sự thay đổi nhất định.
Năm nay, Trường ĐH Văn hóa nhận hơn 3.500 hồ sơ so với hàng chục nghìn trong nhiều năm trước. Tỷ lệ thí sinh dự thi là 67,7%. Hiện tượng giảm hồ sơ, theo bà Đinh Thị Vân Chi, là xu hướng chung ở tất cả các trường, cho thấy lượng hồ sơ ảo giảm. TS ngày càng nhận thức đúng trình độ, năng lực của mình, không phiêu lưu khi chọn trường thi, ngành thi. Riêng với khối D, lượng hồ sơ đăng ký vào trường giảm mạnh bởi vào năm ngoái, điểm chuẩn khối này của trường tăng cao nên nhiều TS "né".
Công tác chấm thi sẽ được Trường ĐH Văn hóa khẩn trương hoàn thành và công bố theo thời hạn Bộ GD-ĐT yêu cầu. Việc chấm thi, như mọi năm, nhà trường sẽ huy động thêm cán bộ bên ngoài trường, trong đó có nhiều giáo viên phổ thông - những người rất sát với kiến thức thi. Điểm thi có thể có trong khoảng 20-25/7.
Tại Trường ĐH Công đoàn, Phó Hiệu trưởng Đinh Thị Mai cho biết, như mọi năm, trường có nhiều TS thuộc diện chính sách, phần lớn từ các vùng sâu, vùng xa về, có hoàn cảnh khó khăn. Có sự đặc thù là do nhà trường có khoa Công tác xã hội và Xã hội học là những ngành học liên quan rất nhiều tới các đối tượng chính sách.
Công tác tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội năm nay có một số điểm đáng chú ý. Về khối thi, theo ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng đào tạo, việc tổ chức thi khối A1 thay cho khối A với 4 ngành là Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, đã thu hút nhiều TS. Tỷ lệ TS dự thi khối A mọi năm là 55%, thì năm nay, với khối A1 là 75%. Ngoài ra, trường có thêm 50 chỉ tiêu với ngành Quốc tế học, tạo thêm cơ hội cho TS.
Cũng liên quan tới các khối thi, Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hòa, Trường ĐH KH-XH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết. Với các khối thi mới là A, B, D, lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng nhanh. Có ý kiến cho rằng việc đó dẫn tới việc giảm lượng hồ sơ của khối C. Tuy nhiên, theo bà Minh Hòa, tính tổng thể thì hồ sơ vẫn tăng vài chục phần trăm nên khó có thể nói như vậy. Tất nhiên, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, có sự khác về tính chất ngành nghề đào tạo. Trước kia, nhà trường chủ yếu đào tạo các ngành khoa học cơ bản, nay có thêm nhiều ngành mang tính ứng dụng cao như Báo chí, Khoa học quản lý, Du lịch học, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Nếu có sự khác biệt về đầu vào giữa các khối thì đó là trình độ ngoại ngữ của TS khối A, C thường thấp hơn khối D.
Kết thúc ngày thi đầu tiên đợt thi ĐH thứ hai, Bộ GD-ĐT cho biết có 141 trường tổ chức thi với 839 điểm thi. Số TS dự thi là 594.683/760.000 hồ sơ đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 78,07%. Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh là 77.164 người. Đề thi được bảo mật tuyệt đối, an toàn trong tất cả các khâu; không có sai sót. Hôm qua, sau 2 buổi thi, trên phạm vi cả nước có 98 thí sinh vi phạm, bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 27; cảnh cáo: 2; đình chỉ: 69); có 5 thí sinh đến muộn, không được dự thi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.