Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Tết thêm ấm áp

Minh Ngọc| 26/01/2019 06:35

(HNM) - Năm nào cũng vậy, nhân dịp Tết đến, xuân về, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn TP Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, xã hội. Việc làm ý nghĩa, kịp thời này giúp họ được đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trong không khí ấm áp tình thân của gia đình.

Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thăm, tặng quà cho trẻ em của Nhà nuôi dưỡng trẻ em Hữu Nghị, quận Đống Đa.


Những câu chuyện giản dị

Đến một số trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vào những ngày cuối năm Mậu Tuất, chúng tôi được chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện giản dị, xúc động.

Không gian căn phòng rộng khoảng 30m2 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2, phường Biên Giang (quận Hà Đông) của bệnh binh Lê Văn Tý, đến từ thôn Lê Xá, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) tràn ngập không khí đón Tết. Nào là bánh, mứt, kẹo do các tổ chức, cá nhân trao tặng; rồi những món quà Tết do trung tâm chuẩn bị. Bệnh binh Lê Văn Tý chia sẻ: "Trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông bị bệnh nặng, mọi sinh hoạt hằng ngày phải có người giúp đỡ. Hơn 20 năm sống tại trung tâm, ngày thường cũng như ngày Tết, ông và người thân luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đủ đầy". Cùng với ông Lê Văn Tý, thương binh Hoàng Quốc Hùng và Nguyễn Thành Đô đến từ huyện Thanh Trì; Nguyễn Đăng Đức đến từ phường Đức Giang (quận Long Biên) cũng đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 như nhiều mùa xuân đã qua.

Chăm sóc, gắn bó với các thương binh, bệnh binh nhiều năm, đội ngũ cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 nhớ rõ ngày sinh nhật, sở thích cá nhân, hoàn cảnh từng người. Để có Tết sum vầy, các thành viên trong ngôi nhà chung vừa nỗ lực giữ gìn sức khỏe cho người có công, vừa sắm sửa, dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm đón Tết phù hợp với từng người. “Ngoài những món ăn mang hương vị Tết cổ truyền, chúng tôi còn trồng thêm nhiều loại cây ăn quả, rau xanh để có nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng phục vụ các đối tượng người có công”, ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số 2 cho hay.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2, xã Viên An (huyện Ứng Hòa), không khí đón Tết đã rộn ràng. Những ngày này, đội ngũ cán bộ, nhân viên và người có công của trung tâm liên tục đón tiếp các đoàn khách đến chúc Tết, thăm hỏi, tặng quà. Cụ Nguyễn Thị Đình, đến từ thôn Kênh Đào, xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) xúc động: “Năm nào cũng vậy, chúng tôi được đón Tết cổ truyền ở trung tâm với một không khí ấm áp tình thân như những người trong một nhà”.

Chị Dương Thị Hương, cán bộ Phòng Y tế - Điều dưỡng (Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2) cho biết, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng thường xuyên gần 50 người có công. Đa số họ tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, trong những ngày Tết, tất cả cán bộ, nhân viên y tế đều chủ động sắp xếp công việc gia đình, thay nhau chăm sóc đối tượng như những người thân.

Không khí đón Tết Nguyên đán theo nghi thức cổ truyền cũng đã rộn ràng tại các đơn vị có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên người có công trên địa bàn thành phố, để những ai ở lại được sống trong không khí gia đình vui vầy, sum họp.

Sự quan tâm kịp thời, ý nghĩa

Ngoài người có công và thân nhân của họ, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm, chăm lo chu đáo. Những ngày giáp Tết, cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, xã Thụy An (huyện Ba Vì) như hối hả hơn với công việc. Người thì chuẩn bị gói bánh chưng, mua quà, sắm sửa đồ dùng thiết yếu phục vụ đối tượng đón Tết; người thì tập trung khám sức khỏe, kê đơn thuốc cho những người già yếu, trẻ em mắc bệnh nặng.

Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội.
Ảnh: Bá Hoạt


Chị Đỗ Thị Thành, Tổ trưởng Tổ y tế vừa khám cho các cháu khu nhà trẻ sơ sinh, vừa kể: “Cháu Trần Gia Khánh (1 tuổi); cháu Nguyễn Tân A (8 tháng tuổi)… là những trẻ bị bỏ rơi, được đưa vào trung tâm khi mới vài ngày tuổi. Do sức khỏe không tốt, các cháu thường xuyên bị viêm đường hô hấp, ho, hay quấy khóc, nên chúng tôi phải tích cực điều trị để các cháu ổn định sức khỏe đón Tết...”.

Đồng hành với những mẹ người Việt, Tết này, chị Carly Placek, người Mỹ, đến từ Tổ chức tình nguyện Bông Sen Đỏ và nhiều tình nguyện viên khác tiếp tục đến Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật chăm sóc các cháu nhỏ. Chia sẻ về lý do gắn bó với trẻ em khuyết tật tại đây, chị Carly Placek tâm sự: “Tôi yêu và thương những trẻ em kém may mắn. Tôi mong cho các em sớm khỏi bệnh và không còn đứa trẻ nào bị bố mẹ bỏ rơi”.

Điều đáng quý là gần 200 người già đang sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, mỗi người lại nhận được sự quan tâm theo những cách khác nhau. Những người sức khỏe yếu được hỗ trợ trong mọi sinh hoạt; người khỏe hơn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. “Hơn 10 năm sống và đón Tết tại trung tâm, tôi không thể nhớ hết, kể hết những câu chuyện ân tình. Chỉ biết rằng, nếu không được sống trong một gia đình lớn như thế này, không biết cuộc sống của tôi và những người già neo đơn sẽ như thế nào”, cụ Nguyễn Đình Tước (78 tuổi), đến từ thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) bộc bạch.

Cách xã Thụy An không xa, hơn 300 người già lang thang, cô đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng sẽ đón cái Tết đủ đầy, ấm áp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Hiện tại, trên địa bàn Thủ đô có gần 190.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn 2.600 người được nuôi dưỡng tập trung. “Dù sống trong trung tâm hay ngoài cộng đồng, mọi đối tượng bảo trợ đều được tặng quà Tết, giúp họ có đầy đủ lương thực, thực phẩm, quà bánh… đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi…”, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định.

Trước thềm Tết đến, xuân về, chúng tôi ghi lại những hình ảnh, câu chuyện giản dị, ý nghĩa để thấy rõ hơn: Ân tình và trách nhiệm là sợi dây gắn kết những người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thành một gia đình lớn. Tình cảm chân thành, ấm áp, yêu thương là điểm tựa để các đối tượng yếu thế có thêm nghị lực, niềm tin yêu trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Tết thêm ấm áp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.