Điểm đến

Để Tây Hồ thực sự trở thành điểm đến xanh - văn hiến - hiện đại: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Bảo Khánh ghi 18/08/2024 18:21

Nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa - lịch sử, những tiềm năng, lợi thế sẵn có chính là động lực, là “bàn đạp" đưa du lịch Tây Hồ “cất cánh” trở thành một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch mới của Thủ đô.

Để làm được điều đó, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hànộimới Cuối tuần giới thiệu một số ý kiến mà các chuyên gia, nhà nghiên cứu “hiến kế” cho quận Tây Hồ.

PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Tạo lập các không gian văn hóa để gìn giữ hồn cốt hồ Tây

638591922662660953-chung-3-copy.jpg

Phát triển du lịch hồ Tây và vùng phụ cận trước hết cần gìn giữ các giá trị văn hóa hiện hữu. Những gì còn đến ngày nay không thể tiếp tục bị mai một, đặc biệt là các không gian văn hóa. Phải làm sống lại các giá trị đặc hữu văn hóa, môi trường du lịch hồ Tây và vùng phụ cận bằng cách tạo dựng các làng nghề, cảnh đẹp, các địa điểm văn hóa du lịch hồ Tây và vùng phụ cận; giữ lại các địa điểm văn hóa hiện còn và phục dựng các địa điểm văn hóa truyền thống.

Các hoạt động văn hóa, lễ hội rất cần có không gian. Vì thế, cần dành ra các địa điểm (quan trọng nhất là đất đai) cho không gian văn hóa. Muốn vậy, cần thực hiện các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ quản lý đất đai trên địa bàn hồ Tây và vùng phụ cận; khoanh vùng, tạo lập các địa bàn có sản phẩm đặc hữu như vùng trồng đào, quất, hồng xiêm... Việc tạo lập các không gian văn hóa để gìn giữ hồn cốt hồ Tây phải được xử lý hài hòa với quá trình phát triển đô thị, khai thác đất đai phát triển bất động sản. Cần kiểm soát việc xây dựng quanh hồ Tây và vùng phụ cận để giải quyết hài hòa các mục tiêu phát triển du lịch và đô thị hóa. Phát triển du lịch hồ Tây và vùng phụ cận trước hết cần gìn giữ các giá trị văn hóa hiện hữu. Những gì còn đến ngày nay không thể tiếp tục bị mai một, đặc biệt là các không gian văn hóa. Phải làm sống lại các giá trị đặc hữu văn hóa, môi trường du lịch hồ Tây và vùng phụ cận bằng cách tạo dựng các làng nghề, cảnh đẹp, các địa điểm văn hóa du lịch hồ Tây và vùng phụ cận; giữ lại các địa điểm văn hóa hiện còn và phục dựng các địa điểm văn hóa truyền thống.

Các hoạt động văn hóa, lễ hội rất cần có không gian. Vì thế, cần dành ra các địa điểm (quan trọng nhất là đất đai) cho không gian văn hóa. Muốn vậy, cần thực hiện các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ quản lý đất đai trên địa bàn hồ Tây và vùng phụ cận; khoanh vùng, tạo lập các địa bàn có sản phẩm đặc hữu như vùng trồng đào, quất, hồng xiêm... Việc tạo lập các không gian văn hóa để gìn giữ hồn cốt hồ Tây phải được xử lý hài hòa với quá trình phát triển đô thị, khai thác đất đai phát triển bất động sản. Cần kiểm soát việc xây dựng quanh hồ Tây và vùng phụ cận để giải quyết hài hòa các mục tiêu phát triển du lịch và đô thị hóa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
Khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm

638591922676546555-son-2-copy.jpg

Kinh tế đêm đã được hình thành trên địa bàn quận Tây Hồ từ nhiều năm nay và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của người dân địa phương, là địa điểm không thể bỏ qua của du khách. Tại Tây Hồ đã dần hình thành các điểm đến đặc trưng của kinh tế đêm như Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ (tiền thân là Phố đi bộ Trịnh Công Sơn), phố Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân... Các điểm đến này đã góp phần tăng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thủ đô. Ngoài các loại hình kinh doanh chủ yếu như ăn uống, quần áo, khách sạn, spa... còn xuất hiện các loại hình kinh doanh ăn theo như vận chuyển, ca múa nhạc trên phố đi bộ... Tất cả tạo nên không gian về đêm đặc trưng của Hà Nội. Việc phát triển kinh tế đêm trên địa bàn đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia, không chỉ có người dân trên địa bàn quận mà còn có cả du khách quốc tế và khách ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như chất lượng dịch vụ kinh tế đêm còn thấp, quy mô còn rất nhỏ; hoạt động kinh tế đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có các tổ hợp vui chơi giải trí chất lượng. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới chỉ tập trung vào hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ. Hệ thống siêu thị, cửa hàng, khu mua sắm đêm chưa đồng bộ, bài bản...

Để phát triển kinh tế đêm hiệu quả, Tây Hồ cần triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phù hợp với điều kiện và bối cảnh của Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp lớn thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia xây dựng các sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động kinh tế đêm.

Quy hoạch riêng các khu kinh tế đêm nhưng không quá xa trung tâm, đảm bảo kết nối với trung tâm đô thị nhưng không ảnh hưởng đến người dân; quản lý giám sát chặt chẽ để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.

Tập trung hoàn thiện các cơ chế để quản lý tốt hoạt động kinh tế đêm và khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này, bao gồm: Loại hình kinh doanh, khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế, giờ giới nghiêm, thời gian hoạt động, tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng...; chính sách về an ninh trật tự; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người tiêu dùng và du khách tham gia hoạt động kinh tế đêm; phân cấp cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế đêm...

Đối với những ngành giải trí mang tính nhạy cảm, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp yêu cầu thực tế, cởi mở; song song với đó là xử lý nghiêm các cá nhân và cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm trật tự, an ninh công cộng, các hành vi gian lận, hành vi cấu thành tội phạm... nhằm bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho du khách.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội:
Giá trị văn hóa, lịch sử là chất liệu xây dựng công nghiệp văn hóa

638591922679354879-huong.jpg

Không gian lịch sử, văn hóa hồ Tây cần được khai thác, phục dựng để phát triển du lịch. Cần xác định các cơ sở di tích lịch sử, di tích tín ngưỡng tôn giáo, các lễ hội truyền thống sẽ là nơi thu hút nhiều khách du lịch, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch, dịch vụ, nâng cao giá trị các sản vật địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu tài chính bổ sung vào ngân sách nhà nước. Đây là cơ sở để chi trở lại cho các hoạt động lễ hội và trùng tu, tôn tạo di tích.

Cần có kế hoạch số hóa di tích hiện hữu tại vùng ven hồ Tây để giới thiệu, quảng bá đến du khách. Đối với các di tích không còn tồn tại, cần nghiên cứu phục dựng một phần để tăng thêm sự hiểu biết, niềm tự hào cho người dân địa phương và du khách khi đến với Hà Nội.

Nghiên cứu, đầu tư mạnh hơn cho việc xây dựng các không gian sáng tạo, trình diễn nghệ thuật truyền thống tại các địa điểm ven hồ Tây gắn với các di tích lịch sử. Trong đó, cần có một không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại không gian văn hóa gần phủ Tây Hồ; xây dựng không gian thực cảnh Hồ Tây - Thăng Long ngàn xưa trên hồ Tây; thiết kế show diễn nghệ thuật “Sự tích hồ Tây” nhằm diễn tả lại các điểm vui chơi giải trí xưa của các vị vua quan thời Lý - Trần - Lê; khai thác các tour du lịch tâm linh phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân Hà Nội và du khách.

Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng các không gian du lịch trải nghiệm, sáng tạo như trải nghiệm, khám phá làng cổ và nghề thủ công truyền thống, phục dựng nghề làm giấy dó gắn với du lịch tâm linh tại đình Võng Thị; Khám phá nghề trồng hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng... và các điểm đến du lịch, dịch vụ văn hóa như Thung lũng hoa hồ Tây, đầm sen Quảng An, bãi đá sông Hồng...

Cần hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận hồ Tây là Danh thắng quốc gia và đầu tư nguồn lực để phục dựng không gian lịch sử, văn hóa hồ Tây, coi đây là tâm điểm trong quy hoạch và xây dựng Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.

Các giá trị về lịch sử, văn hóa là chất liệu quan trọng để thực hiện các công đoạn tiếp theo như phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa... Vì vậy, cần làm từ gốc là khôi phục, bảo tồn và phục dựng các di tích lịch sử - văn hóa ven hồ Tây và vùng phụ cận. Đây là việc làm cần thiết để có cơ sở khoa học quy hoạch hồ Tây trở thành tâm điểm trong quy hoạch Thủ đô hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Tây Hồ thực sự trở thành điểm đến xanh - văn hiến - hiện đại: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.