(HNM) -
Nội dung về phân loại rác tại nguồn là điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Trong đó, Điều 75 của Luật quy định chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại... Tại Hà Nội, dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song để việc phân loại rác thải tại nguồn đi vào thực chất, đưa rác trở thành nguồn tài nguyên, cần có sự đồng bộ về cơ chế, chính sách và sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Thời gian vừa qua, một số địa phương ở Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Những mô hình điểm này đang được nhân rộng ra toàn thành phố nhằm mang lại lợi ích cho mỗi hộ dân và góp phần xây dựng môi trường sống ở các khu dân cư ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Ghi nhận từ mô hình điểm
Trong vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên, ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú (huyện Đông Anh) có một hố ủ phân hữu cơ được che đậy sạch sẽ. Cơm thừa, vỏ trứng, cọng rau, lá bánh... phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày đều được bỏ vào hố ủ, tưới thêm dung dịch men vi sinh pha theo tỷ lệ nhất định để ủ thành phân bón hữu cơ. Công nghệ ủ phân này không phát sinh mùi hôi, không sinh ra ruồi bọ, khuôn viên vườn nhà cũng gọn gàng, sạch sẽ hơn.
Trưởng thôn Nghĩa Vũ Lê Thị Huế, cũng là Trưởng nhóm phân loại rác thải tại nguồn của thôn cho biết, hơn một năm nay, người dân thôn Nghĩa Vũ đã quen với việc thu gom, phân loại rác thải hữu cơ để ủ làm phân bón. Thôn có hơn 100 hộ sản xuất nông nghiệp nên đây là nguồn phân bón đáng kể cho cây trồng. Với các hộ không làm nông nghiệp thì rác hữu cơ được phân loại, bỏ vào thùng chứa đặt trên các tuyến đường do thôn bố trí để các hộ có nhu cầu lấy, ủ phân bón ruộng…
Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú (huyện Đông Anh) Trần Bình Trọng chia sẻ: "Khi mới làm điểm tại thôn Nghĩa Vũ (tháng 2-2021) chỉ có 50 hộ tham gia, đến nay phong trào này đã nhân rộng ra 171 hộ gia đình. Việc phân loại và xử lý rác hữu cơ giúp giảm 71,3% số lượng rác thải phải vận chuyển đến bãi rác; 162 hộ gia đình có phân hữu cơ bón ruộng và 9 hộ gia đình tận dụng được rác hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi. Từ ngày địa phương triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng được nâng cao".
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, đến hết tháng 4-2022, trên địa bàn đã có 23 xã, thị trấn triển khai chương trình phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai tới 100% hộ dân là: Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng; 20 xã, thị trấn còn lại đã chọn ít nhất một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến nay, Đông Anh đã có 7.621 hộ dân thực hiện phân loại và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Nhờ đó, lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn đã giảm đáng kể, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí và góp phần làm cho làng quê thêm sạch, đẹp.
Nhân rộng để hình thành lối sống xanh
Theo Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà - Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn có nhiều lợi ích, không chỉ tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng cư dân. Do đó, việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai tại nhiều địa phương với những cách làm khác nhau.
Trong những ngày cuối tháng 3-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã Nghĩa Hương, Tân Hòa, Đại Thành… của huyện Quốc Oai đã ra mắt mô hình "Phụ nữ sống xanh" - phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nghĩa Hương Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, 51 hộ gia đình hội viên phụ nữ đã đăng ký tham gia mô hình. Tổ quản lý mô hình đã tới từng nhà hướng dẫn các hộ dân quy trình phân loại rác thải tại nguồn. Ví dụ, rác có thể tái chế (phế liệu) sẽ được phân loại, mang bán “đồng nát” gây quỹ từ thiện; rác thải hữu cơ sẽ dùng chế phẩm sinh học để xử lý thành phân bón; còn lại sẽ thu gom vận chuyển theo lịch của công ty môi trường.
Việc phân loại rác sinh hoạt cũng được Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông triển khai đến từng cơ sở hội và đã đi vào nền nếp. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương thông tin, các chi hội phụ nữ đã phân loại giấy vụn, vỏ lon bia, đồ nhựa… bán cho các cơ sở tái chế, thu được hàng trăm triệu đồng để gây quỹ từ thiện. Từ nguồn quỹ này, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn quận đã trích hơn 800 triệu đồng mua nhu yếu phẩm và ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của quận Hà Đông. Tương tự, mô hình phân loại rác tại nguồn cũng bước đầu được triển khai tại các quận, huyện như: Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, việc xây dựng mô hình xử lý rác thải tại nguồn kết hợp với các dự án trồng cây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hình thành lối sống xanh trong cộng đồng... Sắp tới, Chi cục sẽ đánh giá tính hiệu quả của mô hình này để xây dựng đề án phân loại rác thải tại nguồn, triển khai trên địa bàn toàn thành phố.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.