Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đề ra chỉ tiêu phải căn cứ vào thực tế”

Thùy An| 28/11/2010 06:35

(HNM) - Ông Nguyễn Hồng Minh là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 14 và 15, hai kỳ ASIAD mà Thể thao Việt Nam (TTVN) giành được nhiều HCV nhất. Năm 2007, ông nghỉ hưu nhưng vẫn được các đồng nghiệp, giới truyền thông gửi gắm tâm sự về những vấn đề quan trọng của thể thao nước nhà. Trước thành tích được cho là khá kém cỏi của Đoàn TTVN tại ASIAD 16, ông đánh giá:


- Nỗ lực, ý chí ngoan cường của các VĐV Việt Nam là điều đáng ghi nhận hơn cả. Đó là ưu điểm xuyên suốt của Đoàn Việt Nam từ nhiều kỳ ASIAD trước đây. Còn thành tích 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ cũng nói lên nhiều điều. Không kể tấm HCV của Lê Bích Phương, việc VĐV ta lọt vào 17 cuộc thi chung kết đã chứng tỏ khả năng vươn lên tầm châu lục của TTVN. Thậm chí, một số tấm HCĐ, như của Vũ Thị Hương cũng cho thấy một số nội dung ở một số môn của chúng ta đã đạt đến trình độ cao của châu lục.

- Tấm HCV của Lê Bích Phương gợi cho ông suy nghĩ gì?
- Đấy là tấm HCV đến từ sự chỉ đạo đúng đắn của HLV cũng như sự thoải mái tâm lý của VĐV. Nó cũng chỉ ra rằng, chúng ta không việc gì phải tự ti mỗi khi đối đầu với các VĐV của đất nước sản sinh ra môn thể thao đó, cũng như với những nhà vô địch thế giới trong các trận chung kết. Tấm HCV này còn khơi dậy hoài bão, khát vọng của VĐV trẻ, có tác dụng cổ vũ tinh thần các tuyển thủ khác và quan trọng là khiến tinh thần tự hào dân tộc được đẩy lên cao.

- TTVN không hoàn thành chỉ tiêu. Theo ông đâu là lý do khách quan?
- ASIAD là nơi quy tụ quá nhiều VĐV giỏi, đạt trình độ thế giới. Riêng trong danh sách đoàn VĐV Trung Quốc đã có 45 nhà vô địch Olympic, các nước khác cũng có hàng loạt VĐV vô địch thế giới. Trong chương trình thi đấu của ASIAD cũng có 13-14 môn mà các nước châu Á ở đỉnh cao thế giới như bóng bàn, cử tạ, nhảy cầu, bắn cung, một số nội dung bắn súng, bơi, điền kinh… Thế nên, nếu VĐV ta không đạt thành tích cao thì cũng một phần là do họ gặp phải những đối thủ quá mạnh. Nhưng các đoàn khác cũng gặp điều này.

- Lãnh đạo Đoàn TTVN cũng thừa nhận rằng khâu chuẩn bị không tốt khiến đoàn không đạt mục tiêu 4-6 HCV. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Qua báo chí, tôi biết rằng chính Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, Trưởng đoàn Lê Quý Phượng đã thẳng thắn thừa nhận rằng khâu chuẩn bị cho ASIAD 16 không tốt, dẫn đến thành tích không như mong đợi. Đấy là những lời chân thành, dũng cảm, dám nhìn vào sự thật. Thực tế, sự bất cập trong quá trình chuẩn bị ASIAD 16 đã bộc lộ từ lâu và lẽ ra sau ASIAD 15, chúng ta đã phải "sửa sai" rồi. Vậy mà đến đầu năm 2010, đề án tham dự ASIAD 16 mới được đưa ra và cũng chỉ đến khi còn 6-7 tháng là đến ASIAD, khâu chuẩn bị mới được tiến hành thực sự. Từng ấy thời gian là không đủ cho tham vọng giành 4-6 HCV. Biết vậy, nhưng chỉ tiêu trên vẫn được đặt ra, có lẽ là do tư tưởng thành tích lần sau phải cao hơn lần trước. Đề ra chỉ tiêu phải căn cứ trên thực tế chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan được.

- Người ta vẫn nói đến sự đầu tư dàn trải và thiếu quyết liệt của các nhà quản lý cũng góp phần làm thành tích của TTVN bị ảnh hưởng?
- Đó là thực tế. Mỗi năm, kinh phí dành cho thể thao thành tích cao có vào khoảng 1,8 triệu USD. Từng ấy tiền được chia cho hơn 30 bộ môn với ngót nghét 1.000 VĐV, bộ môn được nhiều nhất cũng chỉ là 100.000 USD. Dàn trải, không xác định đầu tư trọng tâm trọng điểm nên hiệu quả không cao. Tôi tin là nếu những Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện… được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa thì thành tích tại ASIAD này không chỉ có vậy. Ngay như Hoàng Anh Tuấn của cử tạ, từ sau Olympic 2008 cũng không có HLV. Đấy là điều không nên diễn ra trong làng thể thao đỉnh cao.

- Vậy TTVN sẽ phải làm gì trong thời gian tới?
- Đầu tiên, các nhà quản lý của Tổng cục TDTT, Ủy ban Olympic cần ngồi lại để đánh giá chính xác về khâu chuẩn bị cho ASIAD 16. Có vậy mới đề ra được chỉ tiêu, giải pháp cho các kỳ ASIAD, Olympic tới. Không thể đầu tư dàn trải nữa, mà cần tập trung đầu tư dài hạn cho những VĐV ưu tú ở những môn có thể tranh chấp huy chương, nhất là HCV của ASIAD cũng như Olympic. Làm được vậy, chỉ tiêu đoạt HCV sẽ bớt chông chênh như kỳ chuẩn bị ASIAD 16 vừa qua.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đề ra chỉ tiêu phải căn cứ vào thực tế”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.