(HNM) - Để khắc phục tình trạng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vắng mặt tại các kỳ họp, cùng với lộ trình tăng dần đại biểu chuyên trách thì phải tăng chất lượng ĐBQH - Đó là khẳng định của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong cuộc trao đổi với Báo Hànộimới, ngày 20-3.
- Thưa ông, tại những kỳ họp trước, ĐBQH vắng nhiều. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này trong kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII?
- Đặc thù của Quốc hội Việt Nam là có nhiều ĐBQH kiêm nhiệm. Nhiều đại biểu là người đứng đầu ở cơ quan, họ không thể dồn hết cho cấp phó để đi họp Quốc hội nên tình trạng này chưa thể khắc phục ngay. Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm của các ĐBQH ở ta rất cao.
Dù có thể vắng mặt tại hội trường nhưng ý kiến đóng góp tham gia tại đoàn, tổ của đại biểu đều đầy đủ và có nhiều ý kiến hay. Tất nhiên, để bảo đảm chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Quốc hội đã đề nghị các trưởng đoàn trao đổi để đại biểu sắp xếp công việc dự họp đầy đủ, nhất là khi biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết.
- Quốc hội một số nước quy định phạt tiền đối với những trường hợp đến muộn hoặc vắng họp mà không có lý do chính đáng, thưa ông?
- Tôi có tham dự một cuộc họp của Quốc hội Mỹ thì thấy họ họp còn vắng hơn cả ở ta. Nhìn chung, đại biểu Quốc hội ở các nước là nghị sĩ chuyên nghiệp chứ không có đại biểu chuyên trách và kiêm nhiệm như ở nước ta. Khi họp, họ ra ngoài là chuyện bình thường, thậm chí có thể ngồi chỗ khác theo dõi qua màn hình, khi nào biểu quyết thì mới vào. Nói như vậy để thấy, họ giám sát hiệu quả làm việc của đại biểu chứ không giám sát sự có mặt. Vì thế ĐBQH vắng, Quốc hội vẫn hoạt động.
- Nhưng về lâu dài, phải có giải pháp để giảm triệt để tình trạng ĐBQH nghỉ họp chứ, thưa ông?
- Chúng ta đang làm từng bước một để tăng số lượng ĐBQH chuyên trách qua từng nhiệm kỳ. Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, số lượng ĐBQH chuyên trách là 181 người; trong đó có 114 đại biểu chuyên trách ở trung ương (tăng 15 đại biểu so với khóa XIII).
Trước đó, Quốc hội khóa XI có 121/498 người là đại biểu chuyên trách, khóa XII và khóa XIII lần lượt có 145 và 150 người là đại biểu chuyên trách. Về lâu dài, có thể tăng dần đến 50% để trong số 500 đại biểu sẽ có đến 250 ĐBQH chuyên trách. Còn trước mắt, khóa tới có 35% mà bảo đảm chất lượng thì cũng là rất tốt. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1-1-2016), đại biểu chuyên trách phải dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đại biểu chuyên trách ngoài trình độ, kinh nghiệm phải là những người gần gũi với cử tri, có thời gian để lắng nghe cử tri nhiều hơn, có điều kiện họp Quốc hội đầy đủ hơn.
- Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.