(HNM) - Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Song, tính chung cả nửa đầu năm 2013, so với cuối năm 2012, thì nợ xấu vẫn tăng khá mạnh.
Trên thực tế, từ đầu năm 2012, vấn đề xử lý nợ xấu trong ngân hàng đã bắt đầu được đưa ra, nhiều phương án được tính đến và một trong những động thái mới nhất là việc ra đời của công ty mua bán nợ xấu. Tuy vậy, đến nay tình hình dường như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Nợ xấu đang trở thành gánh nặng, là mối lo ngại với cả nền kinh tế.
Có một điều đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm chính là con số "thực" trong các báo cáo về nợ xấu. Nhìn vào sổ sách của các ngân hàng thì hầu như nợ xấu đều trong "ngưỡng cho phép". Nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ các tổ chức tín dụng đã cố tình "làm đẹp" sổ sách. Để giảm "nợ xấu", nhiều ngân hàng tìm cách đưa tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp (dưới 3%). Họ có thể áp dụng nhiều cách như hỗ trợ giải ngân cho khách hàng để đảo nợ, thực hiện giải ngân lòng vòng giữa các ngân hàng hoặc mua chéo nợ của nhau… Và thực tế là, nếu các khoản nợ xấu vẫn trong mức an toàn thì chắc hẳn sẽ chưa cần đến sự ra đời của công ty mua bán nợ xấu với số vốn không nhỏ.
Các ngân hàng cũng chẳng muốn bán nợ vì không ai muốn "vạch áo cho người xem lưng", bán nợ rồi mà vẫn phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro, mất cả quyền xử lý trong khi nếu sau 5 năm không xử lý hết nợ xấu thì họ vẫn phải nhận lại số nợ đã bán.
Ai cũng biết nợ xấu cao thì hệ lụy sẽ như thế nào. Đây cũng chính là điều khiến các ngân hàng sẵn sàng tìm mọi cách, thậm chí cả giấu nợ xấu. Nhưng cái "lợi" trước mắt của ngân hàng lại trở thành cái "hại" với hệ thống tài chính cũng như với nền kinh tế. Nó chẳng những không phản ánh đúng thực trạng của hệ thống ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung vốn cho cả nền kinh tế.
Rõ ràng, yêu cầu giải quyết bài toán nợ xấu đang đặt ra rất cấp bách. Khi tình hình nợ xấu được cải thiện sẽ góp phần làm lành mạnh nền tài chính nước nhà, phá băng tín dụng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, kích thích được sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tất nhiên, để nhiệm vụ này hoàn thành, điều kiện tiên quyết vẫn phụ thuộc vào chính thái độ của các ngân hàng.
Vấn đề đặt ra là cần phải có sự minh bạch. Các ngân hàng phải nhìn nhận đúng tác động của các khoản nợ xấu, xác định đúng trạng thái nợ để từ đó có giải pháp xử lý tích cực, tái cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất. Hiện nay, rất nhiều khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản, trong khi thị trường bất động sản lại đang rơi vào trầm lắng. Hơn thế, bảo đảm nợ bằng tài sản cũng đồng nghĩa là chấp nhận sự giảm dần giá trị theo thời gian và thị trường. Như vậy thì chính giá trị của khoản nợ xấu cũng giảm theo, trong khi rủi ro ngày càng tăng cao, chi phí xử lý ngày càng lớn. Chịu thiệt đầu tiên sẽ chính là ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.