Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để quản lý, sử dụng hiệu quả biệt thự công

Dạ Khánh| 10/07/2022 06:26

(HNM) - Được xây dựng trước năm 1954, thuộc sở hữu nhà nước, thời gian qua, việc quản lý, sử dụng, bảo tồn, tôn tạo quỹ biệt thự công trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức. Hệ lụy là nhiều biệt thự xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn cho người sử dụng, hiệu quả kinh tế khi khai thác, sử dụng chưa cao. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chuyên đề nhằm tăng cường các giải pháp quản lý, sử dụng các biệt thự công.

Biệt thự số 180 Quán Thánh được cải tạo, bảo tồn phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của quận Ba Đình. Ảnh: Yên Khánh

Nhiều vướng mắc, bất cập

Quỹ nhà biệt thự công của thành phố Hà Nội chủ yếu nằm trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ; hầu hết đều có vị trí đẹp, diện tích khá lớn, thuận lợi giao thông. Trong đó, nhiều biệt thự có giá trị về mặt kinh tế và kiến trúc.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.216 biệt thự cũ, đa số được xây dựng trên dưới 100 năm. Nhiều biệt thự cũ không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn cho người sử dụng. Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Ngọc Minh lý giải, nguyên nhân là do giai đoạn từ năm 1954 đến trước năm 2009, biệt thự cũ được coi là nhà ở, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các quy định cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng cũng như bảo tồn. Quá trình phân phối, cho thuê và sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, xây dựng, cải tạo trái phép, không phép làm biến dạng biệt thự. Trong khi, việc bảo trì, cải tạo, sửa chữa biệt thự chủ yếu trông chờ vào Nhà nước, nhưng tiền thuê nhà Nhà nước thu được không đủ để chi sửa chữa, bảo trì biệt thự.

Ngoài ra, việc quản lý, khai thác, cho thuê biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cũng chưa thực sự hiệu quả. Hiện mới chỉ có Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội khai thác 8 biệt thự được giao quản lý theo giá thị trường. Còn Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng mới chỉ quản lý, cho thuê và bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước cho các đối tượng được phân phối, cho thuê trước đây. Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng (gồm 207 biệt thự không dùng để ở) chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường, giá trị địa tô vì thiếu chính sách đấu giá quyền thuê trả tiền 1 lần...

Đâu là giải pháp?

Từ các khó khăn, vướng mắc trên, UBND thành phố Hà Nội ban hành chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội” gắn với Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, với chuyên đề này, cơ quan chức năng sẽ đánh giá thực trạng, nguyên nhân tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo tồn và khai thác biệt thự công, tránh lãng phí tài nguyên đất đai.

Các nhóm giải pháp được thành phố đưa ra gồm: Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với các nội dung về biệt thự cũ, nhà cổ và các công trình kiến trúc khác; ban hành cơ chế hỗ trợ cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử. Thành phố sẽ rà soát 207 biệt thự cũ thuộc danh mục không được bán để xây dựng phương án đấu giá cho thuê 10-15 năm theo giá thị trường, trả tiền 1 lần. Trong đó, công trình do Nhà nước đang quản lý được ưu tiên bảo tồn, xếp vào nhóm 1, nhóm 2; công trình thuộc sở hữu tư nhân (1 chủ) được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi để cải tạo, bảo tồn...

Là quận có tới 439/1.216 biệt thự cũ trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho hay, quận Ba Đình đang rà soát việc quản lý, sử dụng biệt thự công để có kế hoạch cải tạo, sửa chữa, bảo tồn cũng như khai thác hiệu quả. Hiện, biệt thự số 180 Quán Thánh (là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Ba Đình) đang được cải tạo, sửa chữa; biệt thự số 68 Nguyễn Thái Học (là trụ sở UBND phường Điện Biên) đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án cải tạo; biệt thự số 97 Quán Thánh (giao Liên đoàn Lao động quận Ba Đình làm trụ sở) đang đề xuất chỉnh trang...

Quận Hoàn Kiếm cũng có tới 483 biệt thự cũ trên địa bàn. Lãnh đạo quận cho hay, bên cạnh việc cải tạo, sửa chữa biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, quận đang lập hồ sơ quản lý, bảo tồn các nhà biệt thự; tính toán các giải pháp để cải tạo, tu bổ với các biệt thự do tư nhân quản lý.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các quận và đơn vị được giao quản lý biệt thự chủ động phối hợp với Thanh tra Sở, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự cũ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để quản lý, sử dụng hiệu quả biệt thự công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.