(HNMO) - Cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh việc phòng chống cháy nổ kho hàng, nhà xưởng dịp cuối năm, do nhu cầu tích trữ hàng hóa tăng khiến nguy cơ hỏa hoạn cũng tăng cao.
Nguy cơ cháy, nổ cao
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an thành phố Hồ Chí Minh, về tình hình cháy, nổ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 408 vụ, việc liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Trong đó, xảy ra 233 vụ cháy làm chết 8 người, bị thương 21 người, gây thiệt hại khoảng 21.000m2 diện tích nhà dân, nhà xưởng cùng nhiều tài sản, máy móc, thiết bị, ước tính thành tiền khoảng 7,87 tỷ đồng (còn 119 vụ chưa ước tính được thiệt hại tài sản thành tiền).
Đa số các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn tập trung chủ yếu tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguyên nhân gây cháy là do từ các hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất 73,83%... Các địa bàn xảy ra cháy nhiều tập trung tại các khu vực quận, huyện như: Tân Bình, Bình Tân, 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.
Điển hình, khoảng 8h10, ngày 10-11, Trung tâm thông tin chỉ huy PC07 nhận được tin báo cháy và huy động 149 cán bộ chiến sĩ, 23 xe chữa cháy để dập tắt đám cháy xảy ra tại Công ty CJ Food - chuyên sản xuất thực phẩm tại khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Vị trí cháy bắt nguồn tại kho đông lạnh. Chất cháy là bao bì, giấy, thực phẩm, nguyên vật liệu, máy móc… Đến 12h50, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Có tới 12.000m2 nhà xưởng bị cháy rụi. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Thượng tá Dương Văn Thành, Phó Trưởng phòng PC07 cho biết, các vụ cháy phổ biến nhất vẫn là do sự cố trong sử dụng các hệ thống, thiết bị điện; một số cơ sở sản xuất kinh doanh, chuyển đổi công năng sử dụng công trình, làm tăng thêm nhiều phụ tải, mà không kịp thời cải tạo nâng cấp hệ thống dây dẫn, thiết bị bảo vệ… chính là nguyên nhân dẫn đến các sự cố trong sử dụng điện.
Triển khai nhiều giải pháp
Để phòng chống cháy, nổ tại các doanh nghiệp dịp cuối năm, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07, khuyến cáo chủ các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy tại các nhà kho, phân xưởng, nhất là vào thời điểm cuối năm. Tại những khu vực này, thường phát sinh cháy nhất là do chập điện nên nguồn điện phải tuyệt đối an toàn; lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn.
“Một trong những việc quan trọng nhất là củng cố, xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở có chuyên môn tốt, kịp thời phát hiện và khắc phục những dấu hiệu ban đầu về nguy cơ cháy nổ; kịp thời báo lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp hỗ trợ khi xảy ra cháy”, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Anh Tú, Phó Giám đốc Công ty Trường Phát (nằm trong Khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, công ty xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ vững mạnh với nòng cốt là đội bảo vệ và công nhân các xưởng rất quan trọng. Điều này bảo đảm có lực lượng xử lý sự cố cháy ngay từ ban đầu, ngăn cháy lan, cháy lớn, giảm thiểu tối đa các thiệt hại của doanh nghiệp khi có cháy, nổ xảy ra.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để ngăn chặn cháy nổ từ nay đến cuối năm yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các cán bộ phụ trách địa bàn tiếp tục phát huy năng lực, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Đồng thời, phải làm tốt công tác tham mưu để giảm số vụ cháy, nổ, rà soát kỹ, quản lý chặt chẽ các cơ sở trên địa bàn quản lý, tập trung vào một số loại hình cơ sở như: Các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, các khu vui chơi giải trí đông người, khu dân cư dễ cháy, các cơ sở sản xuất có nguy hiểm về cháy, nổ nằm xen cài trong khu dân cư…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.