Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nông sản vùng miền ''lên ngôi''

Ngọc Quỳnh| 28/06/2022 13:49

(HNMO) - Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng được thương hiệu các loại nông sản đặc trưng vùng miền và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá bán, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, bài toán về tiêu thụ nông sản vùng miền vẫn còn nan giải.

Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản nhãn chín muộn.

Hiệu quả nhưng chưa bứt phá

Các địa phương trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội, đã xây dựng được nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền, có thương hiệu, giá trị cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn, năm 2022, tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước khoảng 108.000 tấn, chiếm 60%; xuất khẩu khoảng 72.000 tấn, chiếm 40%. Nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ ngay từ đầu vụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: MM Mega Market, GO!, Co.opmart...; các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai... Trung Quốc và châu Âu vẫn là thị trường truyền thống trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Bà Trịnh Thị Nguyệt - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, nhờ có thương hiệu, gạo hữu cơ Đồng Phú đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, sản phẩm được tiêu thụ tại các tỉnh trong nước và xuất khẩu sang châu Âu, thu bình quân 25-26 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 22-23 triệu đồng/ha/vụ (gấp 1,6-1,7 lần so với lúa thường).

Đánh giá về hiệu quả của phát triển nông sản vùng miền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, toàn thành phố hiện có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, xây dựng thương hiệu và cho hiệu quả cao hơn 15-20% so với nông sản chưa có thương hiệu. Tuy nhiên, việc phát triển mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương vẫn gặp khó khăn do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng tập trung để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chú trọng tới bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu; chủ yếu sản xuất thô, giá trị chưa cao.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ thêm, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất vẫn còn thiếu chủ động, chưa tích cực tham gia hoạt động kết nối, yếu về năng lực quản lý, tìm kiếm, phát triển thị trường. Ngoài ra, do sản phẩm chủ yếu bán dưới dạng thô nên đầu ra bấp bênh...

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ đặc sản vải thiều vụ 2022.

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị

Việc xây dựng thương hiệu đặc sản vùng miền đã khó, để duy trì, phát huy hiệu quả, còn khó khăn gấp nhiều lần. Do đó, để các loại nông sản, đặc sản của địa phương phát huy hiệu quả, cạnh tranh được tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, theo ông Trần Anh Khoa - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Thành (huyện Quốc Oai, Hà Nội), các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho các đơn vị sở hữu thương hiệu nông sản đặc trưng để mở rộng đầu tư; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu để nông dân tiếp cận được xu hướng thị trường, cung cấp nông sản đặc trưng, đặc sản vào các kênh phân phối hiện đại.

Còn theo bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với các hợp tác xã tăng cường tập huấn cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản về khâu bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Về lĩnh vực này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển sản xuất các loại đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP. Các địa phương cần lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng đặc trưng để quy hoạch, tập trung đầu tư sản xuất, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tiếp cận kênh phân phối hiện đại.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Minh Tiến, trong bối cảnh toàn cầu trên đà phục hồi kinh tế sau thời gian dài đối phó với dịch Covid-19, xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản gặp khó khăn do các nước có xu hướng tập trung bảo hộ sản xuất, phát triển thị trường nội địa... Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức hội chợ tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền để kết nối cung - cầu theo chuỗi giá trị nông sản. Thành viên chuỗi gồm hợp tác xã, đơn vị sản xuất - kinh doanh, đơn vị bao tiêu, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại...

Về lâu dài, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần tiếp tục cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, để đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kết nối với doanh nghiệp bán lẻ thiết lập hệ thống phân phối...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nông sản vùng miền ''lên ngôi''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.