(HNM) - Hôm qua 17-6, tại phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội, phần thảo luận về dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, công trình kỷ niệm 1000 năm dù diễn ra ngắn gọn, nhưng đã gợi lên nhiều điều phải suy nghĩ.
Đó là về khoảng thời gian đến ngày Đại lễ chỉ còn rất ít (115 ngày), diện mạo đô thị chưa hài lòng hay về một mục tiêu mà chỉ cần nói đến đã gợi bao cảm xúc: Biến Đại lễ thành Tết của mọi nhà, mọi người Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì phiên họp. Ảnh: Bá Hoạt |
Giai đoạn nước rút
Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển phân tích: "Đến thời điểm này, chúng ta đã có bức tranh khá tổng quát về công tác chuẩn bị cho Đại lễ. Đó không còn là công việc của nội bộ TP, mà có sự tham gia rất tích cực, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung của các bộ, ngành TƯ, các tỉnh, TP trong cả nước, các tổ chức, các đại sứ quán và các TP bè bạn trên thế giới. Sự tham gia và đóng góp của người dân, các doanh nghiệp đối với các công trình kỷ niệm, đặc biệt là các công trình văn hóa cũng rất lớn." Bổ sung ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình khẳng định, nhiều công trình kỷ niệm như Công viên Hòa Bình, Tượng đài Thánh Gióng, cải tạo các hồ… đều có công sức đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nếu tính ra tổng số tiền đóng góp chắc chắn sẽ rất ấn tượng. TP cần phải ghi nhận và tôn vinh điều đó.
Các thành viên UBND TP thống nhất, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhiều việc còn chưa hài lòng, song khối lượng công việc đã được hoàn thành không hề nhỏ. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: "Đến giờ phút này, đâu đâu cũng có các hoạt động hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không khí chào mừng đang tạo chuyển biến rõ nét". Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoài việc chuẩn bị công phu cho 2 kịch bản lớn trong 10 ngày Đại lễ (ngày 1-10 và ngày 10-10), 29 kịch bản nhỏ diễn ra từ ngày 2-10 đến ngày 9-10 cũng đã được thiết lập tổ đạo diễn, kíp làm việc. Bên cạnh đó, 21 tỉnh, TP và 15 đoàn văn nghệ đăng ký tham gia biểu diễn dịp này đã được phân công rõ ràng với trên 300 buổi biểu diễn, tương ứng mỗi quận, huyện, thị xã sẽ có 3 đến 4 buổi biểu diễn. TP cũng sẽ mở 4 đợt tuyên truyền lớn từ nay đến Đại lễ.
"Ăn Tết thứ hai"
Đóng góp cho công tác chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP cho rằng công tác tuyên truyền cần phải làm tốt hơn nữa. Bởi theo như khảo sát của Ban Văn hóa xã hội, công tác này dường như mới tập trung nhiều cho khu vực nội đô, ở ngoại thành chưa tạo được tâm thế tham gia các hoạt động kỷ niệm một cách tích cực cho người dân. "Ở ngoại thành hiện nay, hầu như người dân chỉ chờ đến ngày Đại lễ xem mình sẽ được xem gì. Tuyên truyền trực quan ở ngoại thành chưa nhiều, thi thoảng mới thấy băng-rôn, pa-nô, nhưng cũng không ấn tượng lắm". Theo ông Toàn, đối với hoạt động bề nổi, trao đổi với một số cán bộ phòng văn hóa thông tin các huyện cho thấy, tâm lý trông chờ TP vẫn phổ biến. Đồng tình với nhận định này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình chỉ đạo: "Cần phải quan tâm ngay tới việc tổ chức chỉnh trang đường làng, ngõ, xóm khu vực ngoại thành. Không thể chỉ tập trung chỉnh trang nội đô mà quên khu vực ngoại thành."
Trong quá trình chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội từ những năm qua, TP luôn xác định, đây không đơn thuần là các hoạt động văn hóa, văn nghệ hay một vài công trình kỷ niệm, mà là phong trào thi đua sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân… là những "lễ vật kỷ niệm" có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm này, đồng thời cho biết, ngày 10-10 năm nay, người dân sẽ được trợ cấp "ăn Tết thứ hai". Không chỉ vậy, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo 100% các quận, huyện, thị xã, song song với việc phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền để tạo nên bầu không khí vui tươi đón mừng Đại lễ từ cấp cơ sở. 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP sẽ được trang hoàng đón mừng Đại lễ, niềm vui sẽ đến với mọi người, mọi nhà.
Cuộc thi "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng" * Tổng kết, trao giải tại cụm Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương (HNM) - Sáng 17-6, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Đoàn khối Doanh nghiệp TƯ đã tổng kết, trao giải cuộc thi tìm hiểu "Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng". Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 4 đến ngày 31-5-2010), nhưng do có sự vào cuộc sát sao của 29 đầu mối cơ sở đoàn, nên Ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu khối đã nhận được hơn 29 nghìn bài dự thi của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, trong đó có cả những bài thi của đoàn viên đang công tác, học tập tại nước ngoài. Các cơ sở đoàn lựa chọn 200 bài thi chất lượng gửi thường trực Ban tổ chức cuộc thi chấm và trao giải. Ban tổ chức đã trao 7 giải tập thể (1 giải nhất, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích), 18 giải cá nhân (1 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 7 giải khuyến khích). Trong đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đoạt giải nhất tập thể; thí sinh Phạm Thị Minh Huyền, Chi đoàn Quản trị rủi ro, Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam đoạt giải nhất cá nhân. Vũ Thủy |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.