(HNNN) - Mỗi xe buýt đều có hồ sơ quản lý, giống như là hồ sơ “bệnh án” đối với con người. Những lần thay thế phụ tùng, thiết bị hay số lần sửa chữa, số kilômét vận hành của từng chiếc lốp... đều được thể hiện trong hồ sơ. Nhờ sự cần mẫn, trách nhiệm và sự đóng góp thầm lặng của những cán bộ kỹ thuật, thợ sửa chữa bảo dưỡng, hàng ngàn xe buýt Thủ đô càng thêm an toàn mỗi khi ra tuyến phục vụ hành khách.
Loại bỏ nguy cơ
Những ngày đầu tháng 8-2022, mặc dù thời tiết nóng bức song đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thợ sửa chữa bảo dưỡng trong gara của Xí nghiệp Xe buýt 10-10 (thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) vẫn không ngơi tay. Mỗi người mỗi việc, người thì kiểm tra từng chiếc lốp, kiểm tra hệ thống phanh... Lại có những cán bộ kỹ thuật trông đã cứng tuổi đang nhiệt tình hướng dẫn thợ trẻ...
Ông Nguyễn Huy Nhiệm, Phó phụ trách gara của Xí nghiệp Xe buýt 10-10 cho biết, đơn vị đang quản lý 182 xe trên 16 tuyến với 147 xe chạy hằng ngày, riêng ngày chủ nhật vắng hơn nên chỉ bố trí 138 xe vận hành. Gara có 6 cán bộ kỹ thuật, khoảng 20 thợ bảo dưỡng sửa chữa ở các chuyên ngành như máy gầm, điều hòa, điện, gia công cơ khí thân vỏ... Ngoài ra còn có 5 người ở bộ phận cung ứng vật tư, tiếp nhiên liệu.
“Bình quân mỗi tháng có 100 - 120 lượt phương tiện vào bảo dưỡng cấp 2 và 220 - 230 lượt phương tiện vào bảo dưỡng cấp 1. Bất kỳ hư hỏng nào dù là nhỏ nhất cũng phải được kịp thời phát hiện, khắc phục nhằm bảo đảm an toàn trước khi ra tuyến” - ông Nhiệm cho biết.
Có thâm niên 27 năm trong nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt, ông Nguyễn Thành Sơn (thợ bậc 6) chia sẻ, đã có không ít lời mời gọi từ những gara tư nhân với mức đãi ngộ có thể khá hơn nhưng chưa lúc nào ông nghĩ bỏ việc bởi gắn bó với xe buýt lâu năm nên luôn coi mỗi chiếc xe như là bạn.
“Anh em nhiều lúc động viên nhau rằng làm nghề thợ sửa chữa, bảo dưỡng xe buýt không khác gì những người thầy thuốc chữa bệnh. Mình không chữa cho người nhưng chữa cho xe, phải luôn cố gắng tận tâm, làm thật tốt. Đã có nghề vững rồi mà bỏ thì phí quá! Niềm vui lớn nhất là mỗi khi gặp ca khó, anh em thợ tập trung “bắt bệnh” cho kỳ được để có phương án khắc phục hiệu quả. Mấy chục năm làm nghề, đến nay, chúng tôi chưa từng gặp ca nào khó đến mức phải bó tay” - ông Nguyễn Thành Sơn tự hào nói.
Ông Phạm Văn Cường, Tổ trưởng tổ máy gầm 1 của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội (Transerco), người có thâm niên 7 năm gắn bó với nghề sửa chữa xe buýt cười vui: “Xe buýt là nghề làm dâu trăm họ, dù vất vả nhưng anh em luôn cố gắng nhằm loại bỏ những nguy cơ mất an toàn kỹ thuật, để mỗi chuyến xe vận hành an toàn”.
Đặc thù của xe buýt là phục vụ hành khách từ sáng sớm đến đêm khuya theo biểu đồ vận hành. Những người thợ sửa chữa bảo dưỡng cũng theo biểu đồ vận hành đó mà chia ca làm việc. Như gara của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội có 24 cán bộ kỹ thuật, thợ sửa chữa, chia làm 3 ca “chăm sóc sức khỏe” cho 171 xe hoạt động trên 13 tuyến. Ca 1 từ 4h đến 12h, ca 2 từ 8h đến 17h và ca 3 từ 17h đến khi xe về bến tập kết - khoảng 23h đến 23h30 hằng ngày. Vì đặc thù hoạt động của xe buýt như vậy nên thợ bảo dưỡng, sửa chữa cũng như đội ngũ công nhân lái xe, nhân viên bán vé đã quen với nhịp sinh hoạt lúc dắt xe đi làm khi vợ con còn đang ngủ, hết ca về đến nhà thì cả gia đình đều đã yên giấc. Nhiều bữa cơm, sự kiện quan trọng của gia đình thiếu vắng người chồng, người cha...
Vất vả, thiệt thòi là thế nhưng mức thu nhập chỉ khoảng 9 - 12 triệu đồng/người/tháng, phải khéo vun vén lắm mới đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Làm việc trong môi trường độc hại, bị ảnh hưởng nhiều bởi bụi và tiếng ồn..., nhưng đến nay, hàng trăm công nhân viên nghề bảo dưỡng, sửa chữa xe buýt vẫn chưa được hưởng phụ cấp chế độ độc hại. Đó đang thực sự là tâm tư của người lao động trong ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô.
Mỗi xe buýt đều có một hồ sơ “bệnh án”
Giữ vai trò là đơn vị chủ lực của thành phố trong phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, những năm qua, Transerco luôn chú trọng và dành sự quan tâm, đầu tư đồng bộ về phương tiện mới lẫn công tác hậu cần, bảo dưỡng, sửa chữa.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ của Transerco, đoàn phương tiện của Transerco gồm hơn 1.000 xe buýt các loại, với 8 đơn vị quản lý xe buýt (đều có gara riêng) và 1 đơn vị sửa chữa tập trung là Xí nghiệp Trung đại tu. Tại xí nghiệp này có hệ thống nhà xưởng rộng 6.000m2 với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đảm nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa từ cấp bảo dưỡng định kỳ đến trung tu và đại tu cho xe của các đơn vị.
Hằng ngày, phương tiện phải bảo đảm tiêu chuẩn thì mới được ra tuyến hoạt động. Cuối ngày, khi xe về sẽ có bộ phận kỹ thuật kiểm tra tình trạng phương tiện và tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng phát sinh hoặc tiềm ẩn. Tùy theo độ dài của tuyến nhưng cứ bình quân xe chạy đến 4.000km thì bảo dưỡng cấp 1; đến 12.000km thì bảo dưỡng cấp 2. Ban Kỹ thuật công nghệ sẽ kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy trình, quy định của Tổng Công ty tại các đơn vị.
“Phương tiện được quản lý bằng hệ thống phần mềm chuyên dụng từ Tổng Công ty kết nối xuống gara của các đơn vị. Thông qua hệ thống này, phương tiện sẽ được bảo dưỡng đúng định kỳ; lý lịch bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện được cập nhật tự động, liên tục” - ông Nguyễn Trung Thắng cho biết.
Giải thích về quy trình bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, đại diện lãnh đạo Transerco cho biết, Tổng Công ty đã ban hành quy định khung theo tiêu chuẩn ISO 39001 về việc quản lý an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, đầu ngày trước khi đưa phương tiện ra tuyến hoạt động, công nhân lái xe phải kiểm tra đầy đủ các quy trình, trạng thái, từ khoang động cơ, lốp xe, thân vỏ xe, táp lô, khoang lái, khoang hành khách, khoang lái cho đến hệ thống cửa, điều hòa, phanh... Hàng loạt câu hỏi phải được trả lời như: Mức dầu bôi trơn có đạt mức quy định không? Lốp xe có đủ căng, có bị nứt, bị hỏng không? Bàn đạp ga, đạp phanh có bất thường không? Thiết bị chiếu sáng có đủ, đạt yêu cầu không? Tình trạng hoạt động của các thiết bị công nghệ wifi, camera, đèn led, GPS ra sao?...
Sau đó, công nhân lái xe phải thông báo kết quả kiểm tra, các nội dung hư hỏng phát sinh (nếu có) cho nhân viên giao nhận và ký biên bản kiểm tra; trong trường hợp phương tiện chưa bảo đảm an toàn kỹ thuật thì phải báo cho nhân viên giao nhận phương tiện để sửa chữa hoặc bố trí phương tiện thay thế. Quy trình bàn giao phương tiện giữa ca cũng như kiểm tra phương tiện cuối ngày cũng rất chi tiết. Tất cả các quy trình kỹ thuật đều phải có kiểm tra, ký nhận giữa các bộ phận liên quan nhằm kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất mọi rủi ro.
Ông Phạm Văn Cường, Tổ trưởng tổ máy gầm 1 của Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội cho biết thêm, giữa lái xe và bộ phận kỹ thuật, thợ sửa chữa luôn có sự trao đổi, phối hợp với nhau nhằm bảo đảm xe từ đơn vị được huy động ra tuyến an toàn, chất lượng. Với các trường hợp xe có sự cố ở trên đường, giữa các bộ phận này có sự tương tác, hỗ trợ nhau về thông tin để có thể sửa chữa, khắc phục luôn.
Đánh giá cao sự quan tâm đầu tư đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đoàn phương tiện của Transerco nói riêng cũng như các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô nói chung, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển xe buýt. Hiện tuổi đời bình quân của xe buýt Thủ đô vào khoảng 3,6 tuổi và toàn thành phố không có xe buýt nào có niên hạn trên 10 năm được các đơn vị đưa vào khai thác. Không chỉ hạn chế tai nạn giao thông, việc duy trì chất lượng đoàn phương tiện còn góp phần quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng thành phố văn minh, thanh lịch...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.