Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để “nhỏ” và “vừa” không yếu!

Nữ Quỳnh| 09/04/2011 05:20

(HNM) - Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được gia hạn nộp thuế trong vòng một năm, theo Quyết định số 21 được Thủ tướng ban hành ngày 6-4 và có hiệu lực kể từ ngày ký.


Hiện nay, nước ta có khoảng 360.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chiểu theo Quyết định số 21, sẽ có khoảng 200.000 doanh nghiệp được hưởng ưu đãi này. Có thể thấy, một năm giãn thuế tuy chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, song chắc chắn cũng sẽ là động lực mạnh cho nhóm doanh nghiệp này trong tình hình hiện nay. Thời điểm này, cơn "dư chấn" từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi các chuyên gia dự báo Mỹ và châu Âu sẽ còn phải đương đầu với những khó khăn về tài chính nghiêm trọng trong 1-2 năm tới và chưa ai dám chắc sự tụt dốc liệu có chạm đáy. Dĩ nhiên, trong một bối cảnh như thế sẽ không có nhiều doanh nghiệp dám tự tin vào một tương lai sáng sủa của mình, kể cả với doanh nghiệp lớn, chứ chưa cần nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn (đó là những tổng công ty nhà nước) còn kêu khó khăn để xin cơ chế ưu đãi. Khó khăn chung, doanh nghiệp lớn còn cần hỗ trợ thì không lý do gì nhóm nhỏ và vừa lại "sống khỏe". Và việc có chính sách hỗ trợ với nhóm này là cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần tính đến những giải pháp dài hơi, tạo dựng môi trường ổn định, bền vững để khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm tới trên dưới 90% số doanh nghiệp cả nước) phát triển.

Thực tế hiện nay, môi trường kinh doanh với khối doanh nghiệp "đàn em" này chưa thật sự thuận lợi, nhất là với khâu tiếp cận vốn và nguồn lực phát triển. Họ cũng chưa thực sự được hưởng những chính sách ưu đãi bình đẳng với các "anh cả". Thời gian qua nhóm các doanh nghiệp nhà nước, với vai trò là "đầu tàu", nên đã được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi, cả về nguồn vốn, môi trường kinh doanh và nguồn lực khác, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa thì muốn có đất đai, tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh chẳng dễ dàng gì.

Thực tế, cuộc khủng hoảng vừa qua đã khiến không ít doanh nghiệp nhỏ ngừng kinh doanh, một số khác thì chơi vơi. Mới đây, Chính phủ cũng thừa nhận 2011 sẽ là năm khó khăn, nhất là với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì thế, nếu không đặc biệt quan tâm đến nhóm doanh nghiệp này thì không những chúng ta giảm một nguồn lực phát triển đất nước, mà còn dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi về mặt xã hội. Vì thế, ngoài những tiếp sức cho doanh nghiệp bằng cách tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn, giảm gánh nặng kinh tế (giãn, giảm thuế) còn phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để tăng tính cạnh tranh. Như nhiều chủ doanh nghiệp nhóm này mong muốn, cái họ cần không hẳn chỉ là sự ưu đãi, cắt giảm, điều tiết phù hợp để nhằm mục đích khuyến khích sản xuất, tạo việc làm cho số đông người lao động nhằm ổn định xã hội, mà quan trọng hơn là một môi trường thuận lợi, công bằng. Chỉ khi ấy, nhóm "nhỏ" và "vừa" mới không bị yếu mà vươn lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để “nhỏ” và “vừa” không yếu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.