Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng

Hồ Bách| 10/03/2012 06:50

(HNM) - Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ được công bố rộng rãi, lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân từ tháng 1-2013.

Nhiều nhà nghiên cứu lập pháp và Bộ Tư pháp - cơ quan gác cổng pháp luật cho rằng, đây là thời điểm Ban soạn thảo, Quốc hội (QH) phải làm sáng tỏ hơn nữa chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung và giải mã cho được nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong điều kiện một đảng lãnh đạo toàn diện đất nước.

Luật sư Nguyễn Hoài Nam (Đoàn LS Hà Nội) phân tích, Hiến pháp năm 1992 khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (Điều 2). Nhưng đến Điều 6 lại quy định nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua QH và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Cũng có nghĩa là, chủ quyền nhân dân chủ yếu được thực hiện bằng hình thức dân chủ đại diện, dân chủ gián tiếp. Chính việc này đã dẫn đến bất cập: Nhân dân là người quyết định bầu ra QH, HĐND và ủy quyền cho QH, HĐND thành lập các cơ quan trong bộ máy chính quyền. Nhưng người dân hầu như ít có điều kiện trực tiếp đóng góp ý kiến cho dù là xây dựng, đối thoại hay phê phán bộ máy công quyền mà chỉ có thể làm những việc này thông qua người đại diện của mình là đại biểu QH và đại biểu HĐND.

Trong khi đó, mặc dù QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nhưng cơ chế tiếp xúc cử tri vẫn mang nặng tính hình thức, một năm tổ chức 2 lần nên không thể nắm hết tâm tư nguyện vọng của bà con. Để phản ánh toàn cảnh những bất cập ở địa phương, hằng năm lượng đơn, thư người dân gửi đến QH được tính bằng con số hàng vạn, nhưng như chính một vị đại biểu QH vẫn thường xuyên đăng đàn chất vấn trong các kỳ họp QH thừa nhận, với quy định hiện hành, đại biểu QH chỉ đóng vai trò của "ông bưu điện": đóng dấu và kính chuyển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.