Văn nghệ

Để nhạc cổ sống được trong lòng người nghe hôm nay

Mai Đình 16/11/2023 - 09:54

“Nguyên lý của nhạc cổ là nhạc của tình cảm. Nó là những cung bậc của giai điệu để nói lên tiếng lòng của con người chứ không phải là âm nhạc của tư duy logic như âm nhạc phương Tây.

Do vậy, âm nhạc truyền thống phải sống được trong lòng người hôm nay, bằng tình cảm chân thành” - đó là quan điểm của nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh, người say mê với âm nhạc cổ truyền, chủ nhiệm nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Nhiều năm nay, anh cùng nhóm nhạc của mình đã dành công sức tìm tòi, thử nghiệm và đưa hơi thở âm nhạc cổ truyền vào đời sống đương đại.

638352961300910191-tr5.-anh.jpg
Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc - nơi tập hợp các nghệ sĩ tên tuổi của nghệ thuật truyền thống. Ảnh: Phạm Trường Sơn.

“Dấu đẹp Hồ Gươm” phiên bản hát văn

Vừa qua, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” diễn ra hằng tuần, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã giới thiệu tác phẩm mới “Dấu đẹp Hồ Gươm”. Đây là một sáng tác của tác giả Ngô Linh Ngọc vào những năm 1980 và được lưu truyền trong các giáo phường ca trù Hà Nội. Bài hát do NSƯT Văn Khuê chuyển điệu sang hát văn thờ, NSND Thanh Hoài và các nghệ sĩ, nghệ nhân nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc thể hiện.

Theo nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh, phần thể hiện của NSND Thanh Hoài là bài hát nói ca trù được chuyển điệu sang điệu hát phú của chầu văn, phần sau kết hợp 3 phần chính của bản văn thờ, gồm dọc - cờn - xá do chính anh và NSƯT Văn Khuê thể hiện, theo ý văn của tác giả Ngô Linh Ngọc.

Theo NSƯT Văn Khuê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà - đơn vị kết hợp với nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc, ông có nhiều cảm xúc với bài thơ “Dấu đẹp Hồ Gươm” của tác giả Ngô Linh Ngọc nên đã chuyển thành những câu hát: “Trăng vờn đáy nước long lanh/ Gió vờn dáng liễu đan mành rủ tơ/ Trả gươm chuyện cũ bao giờ/ Dấu xưa còn đó, Tháp Rùa còn đây”. Hay những câu thơ miêu tả đền Ngọc Sơn: “Đền cổ mái rêu lồng bóng nước/ Nắng đào Thê Húc nhịp cầu son/ Cạnh đài nghiên tháp bút đứng chon von/ Chép hào khí Thăng Long ngàn vạn thuở”... Không dừng lại với ca trù, ông nhận thấy có thể chuyển điệu những câu thơ này sang hát văn, với nhiều làn điệu khác nhau. Năm 2021, ông đã chuyển điệu bài hát này sang ngâm thơ cổ, sang phú và điệu dọc - cờn - xá...

“Tôi muốn giới thiệu vẻ đẹp của bài hát, sự đa dạng của âm nhạc truyền thống, sự phong phú về giai điệu, tiết tấu. Từ thành công của bài hát này, chúng tôi có thể chuyển điệu cho nhiều bài thơ khác. Tôi từng chuyển điệu cho bài “Chơi Hồ Tây” của Nguyễn Khuyến sang hát văn. Đặc biệt, trong hát văn lại có sự đồng điệu, gần gũi với ca trù nên chuyển từ hát nói của ca trù sang hát phú của hát văn đối với tôi không quá phức tạp” - NSƯT Văn Khuê nói.

Từ thành công của “Dấu đẹp Hồ Gươm” phiên bản hát văn, NSƯT Văn Khuê tiếp tục chuyển điệu những tác phẩm văn học trung đại ca ngợi vẻ đẹp hồn nước, hồn người Thăng Long - Hà Nội, như “Thăng Long hoài cổ” (Bà Huyện Thanh Quan), “Nhị Hà đối nguyệt” (Nguyễn Văn Siêu), “Thăng Long 1”, “Thăng Long 2” (Nguyễn Du), “Cảnh Hà Nội” (Nguyễn Công Trứ)...

Bẻ làn nắn điệu, làm sống lại âm nhạc cổ truyền

Trưởng nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc, nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh cũng là người "bẻ làn nắn điệu" cho thơ Việt, mang đến cho công chúng những làn điệu của cha ông, đồng thời phả vào thơ ca những bài bản của chèo, tuồng, ca trù, hát văn...

Cuối năm 2017, Đàm Quang Minh và các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã lồng điệu cho thơ Đức với buổi diễn xướng thơ Heinrich Heine tại Viện Goethe, Hà Nội. Công chúng vô cùng ngạc nhiên khi vốn cổ âm nhạc của Việt Nam có thể kết hợp hài hòa với giọng thơ trữ tình của các nhà thơ tên tuổi nước ngoài.

Không dừng lại ở đó, với chương trình “Vọng cố đô” tổ chức tại Huế vào năm 2017, Đông Kinh Cổ Nhạc đã thử nghiệm đưa ca từ của Trịnh Công Sơn vào ca nhạc cổ truyền Huế. Năm 2021, nhóm đã thể hiện thành công chương trình hát thơ thiền mang tên “Việt thiền âm”.

Đàm Quang Minh đã biên dịch các bài thơ từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, lồng điệu với các thể hát của âm nhạc truyền thống. Điều này đòi hỏi sự công phu và sức lao động của các nghệ sĩ, sao cho vừa có thần thái của các bộ môn âm nhạc, vừa có tinh thần của thiền, kết nối đạo và đời trong một tiếng ca, câu nhạc.

“Thơ văn Lý Trần là tinh hoa của trí tuệ Việt. Nếu chỉ để ở dạng văn bản chữ in thôi thì rất thiệt thòi. Chúng tôi gợi mở để công chúng cảm nhận giá trị của kho tàng tri thức đó” - nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh nói.

Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc là nơi tập hợp các nghệ sĩ, nghệ nhân tên tuổi của nghệ thuật cổ truyền, tiêu biểu như NSND Thanh Hoài, NSND Minh Gái, NSND Thúy Ngần, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Kiều Oanh... do nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh và cố nhạc sĩ Vũ Nhật Tân thành lập.

Sau 10 năm ra đời, Đông Kinh Cổ Nhạc để lại dấu ấn khó quên trong lòng công chúng với hình thức biểu diễn hát mộc, với các nhạc cụ thuần Việt.

Anh Tạ Tùng, một khán giả trẻ thường xuyên tham dự chương trình biểu diễn của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc tại Không gian văn hóa 50 Đào Duy Từ cảm nhận: “Cùng với các chương trình định kỳ như “Chuyện nhạc phố cổ”, mỗi chương trình biểu diễn theo chủ đề của nhóm như “Tiếng trúc tiếng tơ”, “Lời ru tre xanh”, “Vọng cố đô”, “Việt thiền âm”... đã giúp khán giả được trải nghiệm vẻ đẹp âm nhạc với sự mộc mạc, cái mới và nét xưa song hành”.

Không chỉ là cuộc dạo chơi

Trước đây, nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh cùng cố nhạc sĩ Vũ Nhật Tân và nhạc trưởng Jeff von der Schmidt còn có những thử nghiệm mới: Hòa điệu cổ nhạc Việt Nam cùng nhạc đương đại phương Tây. Tuy vậy, anh cho rằng, cần phải tách bạch và xác định rõ rằng nhạc cổ của ta và nhạc phương Đông nói chung có những cái mà nhạc phương Tây không có. Ví dụ như sự đa dạng về khung tiết tấu để thể hiện tình cảm hay âm sắc của nhạc khí, phương Tây có violon, phương Đông lại có đàn hồ..., với tất cả các cung bậc.

“Mình không có kỹ thuật để hòa thanh, phối khí giống như phương Tây. Cho nên khi đối thoại với dàn nhạc giao hưởng của nhạc trưởng Jeff von der Schmidt trong tác phẩm “Kim Thủy Hỏa” của Vũ Nhật Tân thì phát sinh khó khăn. Đó là nhạc cụ của mình chơi trong không gian nhỏ bé như đình làng rất ổn, nhưng khi chuyển sang một không gian lớn hơn như phòng hòa nhạc hiện đại mà không dùng micro thì khó. Dàn nhạc giao hưởng là người ta tính cho violon, cello, piano để nó có hòa thanh chứ người ta không tính cho cách hát ngồi xuống chiếu của mình” - Đàm Quang Minh nói.

Âm nhạc cổ truyền là vốn cổ của cha ông và mỗi người có một cách ứng xử khác nhau. Có người sử dụng âm nhạc truyền thống như đồ trang sức, có người đưa chất liệu âm nhạc dân gian vào sáng tác đương đại, có người dùng âm nhạc dân gian để đối thoại quá khứ và hiện tại.

Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc chọn cách chắt lọc những câu hát, điệu xưa và thể hiện từ chính trong sâu thẳm tâm hồn, chạm đến cảm xúc của người nghe trong những không gian biểu diễn ấm cúng. Anh còn mong muốn xây dựng dàn nhạc giao hưởng dân tộc để nhạc cổ Việt Nam có thể biểu diễn trong nhà hát opera, ở những không gian lớn chứ không phải chỉ trong những phòng diễn tạp kỹ nhỏ, sân khấu đình làng... Nếu làm được điều đó, anh tin rằng di sản âm nhạc quý giá của cha ông sẽ đi xa hơn, sống được trong lòng người nghe hôm nay với vẹn nguyên cảm xúc, chứ không phải chỉ là cuộc dạo chơi qua “cánh đồng ký ức”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nhạc cổ sống được trong lòng người nghe hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.