Dự kiến “hoàn vốn trong 8 năm 8 tháng, đưa vào hoạt động là có lãi” nhưng do những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư khiến đội vốn, chậm tiến độ, thay công nghệ từ Đức sang Trung Quốc không hề báo cáo...
Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ đã lỗ gần 1.500 tỷ đồng trong 3 năm hoạt động và dự kiến hoàn vốn trong... 22 năm 10 tháng, quá cả vòng đời (22 năm) của dự án. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an vào cuộc xử lý trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng tại dự án này.
Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư dự án 324,8 triệu USD, tương đương hơn 5,4 nghìn tỷ đồng (tỷ giá 16.740 đồng/USD) bao gồm: Cụm phân xưởng este hóa và trùng ngưng công suất 500 tấn/ngày; dây chuyền sản xuất xơ ngắn PSF công suất 400 tấn/ngày; dây chuyền sản xuất DTY công suất 100 tấn/ngày; hệ thống cung cấp năng lượng và phụ trợ...
Dự án đã nghiệm thu sơ bộ vào ngày 19-8-2013 và bàn giao đi vào sản xuất. Tại thời điểm thanh tra, giá trị nghiệm thu công trình là hơn 363,5 triệu USD. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động (từ 2012 đến 2014) và lỗ đến gần 1.500 tỷ đồng, sau đó ngưng hoạt động đến nay và thời gian hoàn vốn mới được xác định kéo dài đến quá cả vòng đời dự án, hiện xơ sợi Đình Vũ là cả một “cục nợ” khổng lồ.
PVTex được kết luận có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án xơ sợi Đình Vũ. |
Tại kết luận thanh tra mới được ban hành, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Qua thanh tra cho thấy, trong chỉ đạo điều hành xây dựng dự án, những sai phạm của chủ đầu tư PVTex trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu gói thầu EPC... đều có liên quan đến chỉ đạo điều hành của PVN.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều sai phạm lớn đã được kết luận. Cụ thể, PVTex là chủ đầu tư, nhưng trước khi phê duyệt dự án đã không thực hiện tổ chức thẩm định, xem xét các yếu tố về hiệu quả, tính khả thi của dự án. PVTex cũng không thẩm định tổng mức đầu tư như quy định, mà phê duyệt luôn, dẫn đến hậu quả thiếu chi phí vốn lưu động trong thời gian sản xuất thử và sản xuất không ổn định.
Sau khi thương thảo và ký kết hợp đồng EPC, PVTex đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư không đúng đối với một số khoản chi phí với giá trị hơn 38,7 triệu USD, bao gồm: Đưa hệ số 1,2 cho nhà thầu nước ngoài và hệ số trượt giá 1,3 vào chi phí xây dựng không có cơ sở, làm tăng sai tổng mức đầu tư gần 21,5 triệu USD; Tính chi phí lãi vay sai cơ cấu tỷ lệ dẫn đến tăng sai tổng mức đầu tư gần 6,4 triệu USD; Tính sai một số chi phí khác, dẫn đến sai tổng mức đầu tư gần 8 triệu USD.
Trong đấu thầu, PVTex cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định như: không có báo cáo thẩm định gói thầu EPC, sơ tuyển nhà thầu trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, nên hồ sơ mời thầu không đủ cơ sở yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đối với nhà thầu.
Hồ sơ mời thầu không có nội dụng yêu cầu nhà thầu về các năng lực tối thiểu trên – một điều kiện rất quan trọng có tính quyết định đến sự thành công của dự án, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đấu thầu và một số văn bản khác...
Hợp đồng gói thầu EPC được ký kết bằng ngoại tệ (250 triệu USD) nhưng thành toán bằng đồng Việt Nam đối với phần chi phí trong nước (hơn 60,3 triệu USD) dẫn đến chênh lệch tỷ giá tới gần 47 tỷ đồng khi thanh toán...
Nghiêm trọng hơn cả, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư và nhà thầu đã không tuân thủ hợp đồng, thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước, tiêu biểu là dây chuyền thiết bị kéo sợi dún (DTY) trị giá hơn 11,3 triệu USD đã bị thay đổi từ của Đức sang của Trung Quốc.
Thanh tra Chính phủ kết luận: “Do chủ đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm, có phần buông lỏng quản lý, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả trúng thầu và ký kết thực hiện hợp đồng không chặt chẽ, chưa rõ ràng, nhiều điều khoản mâu thuẫn và không được thực hiện trong thực tế... gây thiệt hại về kinh tế chưa thể xác định được”.
Ngoài ra, hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in trị giá gần 668 nghìn USD cũng bị thay sang thiết bị Trung Quốc và thiết bị đóng bao thay đổi từ Đức sang châu Âu trị giá hơn 1,1 triệu USD.
Thêm vào đó, dự án còn chậm tiến độ 726 ngày so với hợp đồng, làm tăng chi phí do kéo dài chạy thử, lãi vay do chậm tiến độ, chi phí nhân lực vận hành... giảm hiệu quả đầu tư. Đến thời điểm này, dự án đã được kết luận: Không có hiệu quả về kinh tế.
Nguyên nhân lỗ được xác định ngoài khách quan do thị trường tiêu thụ khó khăn, còn chủ quan do PVN, Vinatex là đại diện chủ sở hữu vốn tại PVTex chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát dẫn đến chi phí tăng cao (chi phí đào tạo là hơn 2,2 triệu USD, chi phí lãi vay là hơn 5 triệu USD, lỗ do chạy thử sản phẩm không đạt lên tới hơn 35,7 triệu USD), suất đầu tư lớn, tiến độ thi công công trình chậm, lực lượng cán bộ công nhân lớn (thực tế tại thời điểm 30-6-2015 là 1.025 người, trong khi yêu cầu của dự án là 830 người) làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm cao; trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm khó tiêu thụ.
Ngoài Vinatex được kết luận thiếu trách nhiệm, PVN cũng “còn nhiều thiếu sót, vi phạm...; nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng Công ty CP Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ lỗ của dự án là gần 1.500 tỷ đồng”.
Bộ Công Thương cũng được kết luận thiếu kiểm tra giám sát. Ngoài kiến nghị xử lý về kinh tế gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD, xử lý trách nhiệm hành chính Bộ Công Thương, PVN, Vinatex và các đơn vị góp vốn vào PVTex...
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, bởi kết quả thanh tra cho thấy quá trình thực hiện dự án đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.