Reuters ngày 27-7 dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết, Chính phủ nước này đang nỗ lực tư nhân hóa một phần chương trình không gian bằng cách mở thầu chế tạo tên lửa phóng vệ tinh nhỏ. Động thái này đã thu hút sự quan tâm từ 20 công ty.
Phương tiện phóng vệ tinh nhỏ (SSLV) của Ấn Độ được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và đã phóng vệ tinh thành công đầu tiên vào tháng 2 vừa qua.
SSLV được thiết kế như một phương tiện chi phí thấp để phóng các vệ tinh nặng tới 500kg vào quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, phục vụ thị trường đang bùng nổ các vụ phóng cụm vệ tinh có khả năng cung cấp hình ảnh và dữ liệu liên lạc, tương tự như SpaceX và các đối thủ đang triển khai.
Dưới sự thúc đẩy chính sách của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang tiếp bước Mỹ phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân để bổ trợ cho chương trình không gian của nhà nước.
Việc đấu thầu để tiếp quản sản xuất và phát triển chương trình tên lửa SSLV là hoạt động tư nhân hóa đầu tiên theo chính sách đó. Cơ quan quản lý không gian mới được thành lập của Ấn Độ - Trung tâm ủy quyền và xúc tiến không gian quốc gia Ấn Độ (IN-SPACe), đã mở quy trình mời thầu vào ngày 11 -7 cho phép các công ty đủ điều kiện đăng ký tham gia.
Pawan Goenka, Chủ tịch của IN-SPACe cho biết, 20 công ty đã gửi "biểu hiện quan tâm" (EOI) đối với chương trình tên lửa. IN-SPACe sẽ có một cuộc tư vấn với 20 ứng viên này trong những tuần tới. Để đủ điều kiện tham gia đấu thầu, các công ty phải có lãi và là nhà thầu chính trong một tập đoàn có ít nhất 5 năm kinh nghiệm sản xuất và doanh thu hàng năm là 4 tỷ rupee (48,8 triệu USD).
Được biết, Ấn Độ đang đặt mục tiêu tăng thị phần của mình trên thị trường phóng vệ tinh toàn cầu lên gấp 5 lần trong thập kỷ tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.