Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề nghị tăng độ tuổi của thanh niên trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Tiến Thành| 22/11/2019 06:22

(HNM) - Chiều 21-11, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, cơ bản các ý kiến tán thành với dự án luật; đã có 20 đại biểu phát biểu về một số nội dung: Quy định về Ủy ban quốc gia Về thanh niên Việt Nam trong luật; độ tuổi của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên...

Quốc hội thảo luận dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Phân tích về mô hình Ủy ban quốc gia Về thanh niên Việt Nam, đại biểu Lê Quốc Phong (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc quy định mô hình Ủy ban trong luật với chức năng cụ thể là cần thiết và phù hợp với xu thế chung. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu nâng tầm, giao cho Ủy ban thêm một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và công tác thanh niên.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ 15 đến 30 tuổi sẽ phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế...

Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, cần tăng độ tuổi của thanh niên lên 35 tuổi, bởi sẽ tập hợp được đông đảo thanh niên phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo thuận lợi cho việc bố trí đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên tại các cơ quan, đơn vị.

Giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, độ tuổi thanh niên từ 16 tuổi đến 30 tuổi bảo đảm thúc đẩy sự phát triển của thanh niên và không ảnh hưởng đến độ tuổi của những người tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên. Theo Bộ trưởng, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam trong những năm qua đã hoạt động có hiệu quả.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến để chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ chín.

lSáng cùng ngày, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đã có 27 đại biểu đóng góp ý kiến xung quanh một số vấn đề: Trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; phạm vi sửa đổi, bổ sung...

Đồng tình với phương án giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh như hiện nay, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) khẳng định, việc giữ như quy định hiện hành là kế thừa những kết quả đổi mới mà Quốc hội các khóa trước đã để lại. Theo đại biểu, năm 2002, Quốc hội khóa XI đã sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những trọng tâm đổi mới là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, giải trình và trong 17 năm qua, Quốc hội đã thực hiện theo cơ chế này.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) nêu thực tế, còn có sự lẫn lộn giữa văn bản quy phạm pháp luật và văn bản khác. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng liệt kê cụ thể văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đây là một dự án luật quan trọng và cơ bản đại biểu Quốc hội đều tán thành việc sửa đổi, bổ sung luật này. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ báo cáo đầy đủ với Quốc hội.

Cũng trong ngày 21-11, với 442 đại biểu tán thành (tỷ lệ 91,51%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thư viện. Luật gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật Thư viện có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị tăng độ tuổi của thanh niên trong dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.