Thảo luận hội trường sáng 14-2, các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc ban hành nghị quyết quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đề nghị nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có hiệu lực ngay khi Quốc hội ban hành, để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan đi vào hoạt động sớm.
Để thành lập hay bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh, HĐND cấp huyện phải ban hành các nghị quyết.
Nhưng xét về căn cứ pháp lý các nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn hiệu lực, chưa được sửa đổi, bổ sung theo mô hình tổ chức bộ máy mới.
Do đó, việc bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải chờ nghị quyết của Quốc hội ban hành.
Nếu thời điểm hiệu lực của nghị quyết là ngày 1-3-2025 thì muộn, chưa đáp ứng được yêu cầu, đồng thời chưa xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đồng tình với việc Nghị quyết giao thẩm quyền cho Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền ban hành các văn bản dưới luật trong khi chờ luật.
Thực tế, các bộ, ngành đều có luật riêng và trong khi chưa sửa luật thì thực hiện theo luật nào, khi 2 bộ sáp nhập? Do vậy, dự thảo nghị quyết cho phép các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện để tổ chức bộ máy đi vào hoạt động.
Đồng tình với đề xuất của đại biểu Trần Nhật Minh, đại biểu Phạm Văn Hòa nói: “Qua phát biểu của nhiều đại biểu và lấy ý kiến các cơ quan, tôi thống nhất áp dụng nghị quyết có hiệu lực ngay khi được ban hành”.
Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-3 nhằm đồng bộ với Nghị quyết Quốc hội về cơ cấu, tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội và qua nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra để điều chỉnh là có hiệu lực ngay khi Quốc hội thông qua…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.