(HNM) - Trong ngày làm việc thứ 3, hôm qua 15-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến hai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung bộ Luật Lao động; Luật Giá và thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.
Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, tại phiên họp này các thành viên Ủy ban đã đưa ra nhiều đề nghị sửa đổi, bổ sung quan trọng đối với dự thảo bộ Luật Lao động. Trong đó đáng chú ý là yêu cầu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay: Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị cần bổ sung quy định nguyên tắc, tiêu chí đối với các nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; người lao động làm công tác quản lý. Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các ý kiến thống nhất việc quy định thời gian nghỉ tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Như vậy, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ tối đa trong khoảng từ 4 tháng đến 6 tháng mà vẫn được hưởng đủ trợ cấp thai sản 6 tháng. Thống nhất không "nới trần" về thời gian làm thêm, theo đó các doanh nghiệp có thể tổ chức làm thêm giờ không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Đáng chú ý, mức lương làm thêm giờ ban đêm đối với ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đều được điều chỉnh tăng thêm 20% hiện hành; tương ứng bằng 200%, 250% và 350% so với lương làm việc bình thường…
Cho ý kiến về việc thực hiện chính sách pháp luật về xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các thành viên UBTVQH chỉ rõ, hiện cả nước có 18 khu kinh tế tuy nhiên cơ chế chính sách phát triển lại được áp dụng chung, không có sự điều chỉnh linh hoạt nên chưa tạo được sự bứt phá. Cùng với đó, thủ tục hành chính về quy hoạch đất, đầu tư, thương mại, dịch vụ còn rườm rà, chịu sự thẩm định của nhiều cấp nên ảnh hưởng tới quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, qua gần 20 năm thực hiện chủ trương thành lập các khu kinh tế, chúng ta cần tổng kết thực tiễn để đề ra hướng phát triển tiếp theo. Trong đó cần đánh giá, rà soát điều chỉnh quy hoạch để lựa chọn các khu kinh tế trọng điểm theo từng vùng đối với các khu kinh tế ven biển, tạo ra động lực phát triển cho các vùng kinh tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.