(HNM) - Ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, ngày 26-11-2015, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13, chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2016. Song, từ đầu năm 2016 đến nay, việc phát triển chế định TPL có dấu hiệu chững lại.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó nhận định chung của các văn phòng TPL là do chưa có “đất” phát triển. Ngay tại Hà Nội, một số cơ quan như ngân hàng, công an… chưa có sự phối hợp chặt chẽ với văn phòng TPL, nhất là trong hoạt động thi hành án. Chưa kể, việc phối hợp triển khai chế định, thẩm quyền tổ chức thi hành án của TPL thế nào cũng còn có hai luồng ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động TPL. Văn phòng Chính phủ, Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền tổ chức thi hành án của TPL, kể cả tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng. Trong khi đó, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an) lại đề xuất nghiên cứu bỏ thẩm quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Ở đây, cần làm rõ một điểm mấu chốt, Quốc hội đã cho phép TPL chính thức hoạt động sau thời gian dài thí điểm thì phải có cơ chế bảo đảm cho mô hình này hoạt động. Thực tế, sự xuất hiện của TPL bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn phương thức thi hành án thích hợp và hiệu quả nhất, vừa tạo thế cạnh tranh giữa hai tổ chức công - tư. Vì vậy, cần bước đi phù hợp để nghề mới phát triển đúng hướng, bền vững. Không có lý gì cùng là một tổ chức có trách nhiệm thi hành án, nhưng chỉ đơn vị nhà nước mới có quyền nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng bảo vệ, còn TPL thì không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.