(HNM)- Có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong tiêu thoát lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về, thế nhưng lòng sông Mỹ Hà đoạn qua huyện Mỹ Đức mỗi năm lại bị thu hẹp bởi tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, chính thái độ thờ ơ, thiếu kiên quyết trong việc xử lý các vụ vi phạm đê điều của chính quyền sở tại là nguyên nhân làm cho tuyến đê Mỹ Hà ngày càng mong manh trước bão lũ.
Ẩn họa khôn lường
Tình trạng các hộ dân xây nhà lấn chiếm hành lang đê Mỹ Hà ngày càng nhiều. Ảnh: Hữu Hoài
Sông Mỹ Hà dài 12km chảy qua 5 xã của huyện Mỹ Đức. Đây là con sông đảm nhiệm việc tiêu thoát lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Tuy nhiên, trên tuyến đê này đang tiềm ẩn những hiểm họa ảnh hưởng đến công trình đê điều, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Mấy năm trở lại đây, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều trở nên nghiêm trọng khiến lòng sông bị thu hẹp, dòng chảy bị thay đổi, tuyến đê Mỹ Hà trở nên mong manh trong mưa lũ. Những trận mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về hồi cuối tháng 8 vừa qua, tuyến đê này được đặt trong tình trạng báo động cấp.
Có mặt tại xã Hợp Thanh thời điểm này, chúng tôi thấy, lòng sông Mỹ Hà đặc kín bèo, rau muống, rác thải, nhiều đoạn dòng nước xoáy thúc mạnh vào thân đê gây sạt lở. Do vướng vật cản, một số đoạn đã bị tắc, nước từ thượng nguồn đổ về cao hơn so với hạ du khoảng 30cm. Cũng tại thời điểm này, theo ông Vũ Văn Chuyên, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ứng Hòa, trên tuyến đê Mỹ Hà đã xuất hiện một số vị trí nước thấm qua đê. Trong trường hợp mưa kéo dài ngày, chưa biết tai họa gì sẽ xảy ra! Trước đó, trận mưa úng lịch sử hồi đầu tháng 11-2008, tuyến đê này đã xuất hiện một số mạch đùn mạch sủi.
Vi phạm triền miên
Thống kê của cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức, hiện trên tuyến đê Mỹ Hà đang tồn tại khoảng 200 công trình xây dựng, nhà ở nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê. Tình trạng vi phạm đê điều trên tuyến đê Mỹ Hà chủ yếu tập trung ở khu vực xã Hợp Thanh. Ở các địa phương khác cũng xuất hiện nhưng đã được các lực lượng giải tỏa. Ông Nguyễn Xuân Bao, Hạt phó Hạt quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức cho biết, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên tuyến đê Mỹ Hà tại xã Hợp Thanh kéo dài từ năm này sang năm khác. Điều đáng nói, các vi phạm vẫn chưa được cơ quan chức năng và địa phương xử lý dứt điểm. Trước đây, chính quyền xã Hợp Thanh giao đất cho dân nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê để xây dựng nhà ở. Có khoảng 60-70 hộ mua được đất của chính quyền địa phương, mỗi hộ vài chục mét. Lợi dụng sự buông lỏng của chính quyền địa phương, mạnh ai người nấy làm, người dân đua nhau cơi nới hoặc lấn chiếm xây dựng công trình lấn lòng sông Mỹ Hà. Tiền lệ đó đã khiến bờ tả tuyến đê Mỹ Hà quá tải với các vụ vi phạm đê điều triền miên.
Chính quyền sở tại bất lực
Đi trên tuyến đê sông Mỹ Hà, đoạn qua xã Hợp Thanh bây giờ khó ai có thể nhận ra đó là tuyến đê xung yếu bậc nhất đảm nhiệm việc tiêu thoát lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về. Nhiều công trình xây dựng kiên cố mọc lên ngoài mép nước, một số công trình đang xây dựng dở dang trên thân đê. Lý giải tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều xảy ra trên địa bàn xã Hợp Thanh chưa được xử lý dứt điểm, ông Nguyễn Văn Duân, Chủ tịch UBND xã cho biết, khi phát hiện chính quyền địa phương giao đất trái thẩm quyền, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và một loạt quan chức của xã đã ra hầu tòa. Kể từ đó đến nay, tình trạng cơi nới lấn chiếm tuy không nhiều nhưng vẫn diễn ra. Trước thực trạng đó, chính quyền có nhắc nhở tới từng hộ và báo cáo với huyện, nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Ông Duân cho rằng, việc để xảy ra vi phạm là trách nhiệm của chính quyền xã Hợp Thanh do nể nang, né tránh.
Liên quan đến việc xử lý vi phạm trên tuyến đê Mỹ Hà, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, sẽ quyết liệt xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về. Chi cục đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương phân loại vi phạm, xây dựng kế hoạch giải tỏa. Tuy nhiên, việc giải tỏa rất khó khăn, không thể thực hiện xong trong một sớm một chiều bởi nhiều công trình xây dựng đã gần chục năm, người dân ăn ở yên ổn.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho rằng, để xử lý dứt điểm các vi phạm cần số tiền rất lớn bồi thường và bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân. Trong khi đó, nguồn ngân sách huyện còn hạn hẹp, rất cần sự hỗ trợ từ thành phố. Ông Sang cho biết thêm, để giảm tải áp lực cho tuyến đê này trong mùa mưa lũ, huyện Mỹ Đức có phương án nạo vét khơi thông dòng chảy. Trước mắt, huyện chỉ đạo xã Hợp Thanh nghiêm túc xử lý các trường hợp tái lấn chiếm.
Có thể nói, tình trạng vi phạm đê điều nghiêm trọng ở xã Hợp Thanh là do sự thờ ơ của chính quyền sở tại qua các thời kỳ. Nếu việc xử lý quyết liệt, không để phát sinh thêm các vụ vi phạm mới thì đê Mỹ Hà không bị "bức tử" như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.