Góc nhìn

Để làm sạch “rác mạng”

Hà Trang 10/03/2024 - 06:10

Thời gian qua, trên không gian mạng internet có rất nhiều phát ngôn lệch chuẩn, thậm chí có những bài viết mang tính bịa đặt, kích động, bôi đen… rất phản cảm. Đáng buồn là để xôm hơn “cái chợ mạng” ấy, có sự tham gia tích cực của nhiều người mẫu, nghệ sĩ nổi tiếng.

Đáng chú ý, gần đây, cộng đồng mạng nóng ran vì một người đẹp đã được “phong hậu” liên tục có những cuộc livestream kéo dài trên mạng xã hội, với danh nghĩa “bóc trần showbiz”. Cô này mạnh miệng khẳng định: “Ai hoạt động trong showbiz cũng đều cặp kè đại gia”… Những phát ngôn thiếu chuẩn xác, không văn minh trên mạng xã hội của cô này đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”, khi mời đến làm việc và xử lý nghiêm theo quy định.

Trên thực tế, nghệ sĩ với sức ảnh hưởng của mình nên các hoạt động, phát ngôn có tác động rất lớn đến tình cảm, tư tưởng, nhân cách của công chúng. Do đó, hơn ai hết, họ phải tuân thủ các quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Tự do ngôn luận phải trên cơ sở văn minh, lịch sự và đúng quy định, chứ không phải bôi nhọ, xúc phạm, vu khống, đưa lên những thông tin bẩn, thông tin rác, gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ. Văn nghệ sĩ hay bất cứ đối tượng nào cũng đều phải thực hiện theo đúng những quy tắc ứng xử chuẩn mực, phù hợp với luật pháp, với thuần phong mỹ tục.

Để ngăn chặn, xử lý những nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, phát ngôn trái thuần phong mỹ tục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” vào năm 2021. Tuy nhiên, vấn nạn người làm văn hóa phát ngôn, hành xử thiếu văn hóa với khán giả và đồng nghiệp vẫn diễn ra nhan nhản. Nhiều chuyên gia cho rằng, mức phạt vi phạm hành chính hiện nay cho hành vi phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội là quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Bởi thực tế nhiều nghệ sĩ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng, do đó, ngay cả khi bị xử phạt số tiền trăm triệu đồng, họ cũng không lo lắng.

Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3-2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho rằng, trong một số trường hợp, tăng mức phạt như thế nào cũng không đủ. Khi họ có nhận thức khác về pháp luật, phải có hình thức xử lý cao hơn hành chính, chẳng hạn xử lý hình sự.

Dư luận rất đồng tình với quan điểm và hướng xử lý sai phạm mới của cơ quan quản lý nhà nước trước những sai phạm của người nổi tiếng khi có hành động, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với các nền tảng, chủ yếu là nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu họ phát triển công cụ giám sát livestream, có trách nhiệm chủ động rà soát và chặn nội dung độc hại, đồng thời đặt hàng các công ty công nghệ như Viettel, FPT để phát triển công cụ tương tự ở trong nước. Thời gian tới, sẽ có những quy định tăng mức phạt tiền và hình phạt bổ sung; hạn chế hình ảnh trên sóng truyền hình, trên mạng, trên các sân khấu biểu diễn với người vi phạm; xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động... Đây chính là những giải pháp căn cơ để xử lý những cá nhân, nghệ sĩ có hành vi phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, để làm sạch “rác mạng”, các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người tham gia mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để làm sạch “rác mạng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.