Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để kinh tế trang trại Hà Nội phát triển xứng tầm

Minh Phú| 17/08/2020 09:54

Kinh tế trang trại của thành phố Hà Nội mạnh cả về số lượng và chất lượng, doanh thu cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, khu vực này còn không ít rào cản về đất đai, vốn, nhân lực, ứng dụng công nghệ cao, kết nối tiêu thụ sản phẩm... đòi hỏi ngành Nông nghiệp, các địa phương, chủ trang trại... nỗ lực hơn nữa, tạo động lực cho kinh tế trang trại phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp bền vững.

Đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng còn khó khăn

Đời sống người dân tăng lên nhờ phát triển mô hình kinh tế trang trại - đó là khẳng định của anh Phùng Văn Thụy ở thôn Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì). Nhờ phát triển trang trại chăn nuôi lợn quy mô 600 con lợn nái, gần 1.000 con lợn thịt, mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ: Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đang có sự chuyển biến rõ rệt trong sản xuất, kinh doanh, sản phẩm hàng hóa phù hợp với yêu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều trang trại đã chủ động được giống và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi tốt cung ứng cho nông dân trong vùng. Toàn huyện đã có 201 trang trại, tổng doanh thu từ các trang trại đạt gần 2.200 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình 412 tỷ đồng/năm.

Trang trại trồng rau hữu cơ của Công ty cổ phần Sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà (thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên).

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, toàn huyện có 144 trang trại. Nhiều trang trại sản xuất hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo dựng được thương hiệu cho nông sản... Điển hình là trang trại Hoa Viên tại xã Yên Bình với sản phẩm rau hữu cơ Đại Ngàn.

Về lĩnh vực này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết, đến hết năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 3.150 trang trại, tăng khoảng 500 trang trại so với năm 2015. Kinh tế trang trại đã cung cấp cho thị trường Thủ đô hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm các loại. Loại hình kinh tế này sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, đặc biệt là nguồn lực lao động và đất đai, nội lực vốn của chủ hộ.

Nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Một trang trại trồng dưa lưới ở xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa).

Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại vẫn còn nhiều khó khăn. Hà Nội hiện mới có 178 trang trại được cấp giấy chứng nhận, quy mô diện tích đất các trang trại còn nhỏ, đạt trung bình 1,5ha. Nguồn vốn đầu tư vào sản xuất chủ yếu là vốn hộ gia đình tự có; trình độ chuyên môn của chủ trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu; mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều... Kinh tế trang trại cần được gỡ khó để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho biết: Trang trại mong muốn được các cấp chính quyền tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất; tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thêm hỗ trợ để phát triển bền vững

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, áp dụng Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28-2-2020 quy định tiêu chí kinh tế trang trại nên hiện nay, Chi cục đang rà soát số lượng các trang trại để báo cáo thành phố, có thể số trang trại sẽ giảm. Dự kiến đến 31-12-2020, toàn thành phố còn khoảng 1.816 trang trại.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển trang trại trên địa bàn thành phố; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi nhằm tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế từ các thành phần kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển chung của thành phố... Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, tổng số trang trại trên địa bàn là 1.950 trang trại, số lao động làm việc trong các trang trại là 7.730 người.

Để hỗ trợ kinh tế trang trại, ngành Nông nghiệp Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối cung - cầu “từ trang trại tới bàn ăn”. Các quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ khuyến nông cũng sẽ tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả; đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các trang trại để được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Trồng rau hữu cơ ở Trang trại Hoa Viên (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất).

Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, huyện Sóc Sơn sẽ đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển bền vững. Huyện cũng sẽ phát triển kinh tế trang trại phù hợp với 3 vùng sinh thái, sản xuất tập trung bảo đảm theo tiêu chí quy định.

Tương tự, theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, địa phương sẽ tập trung, khuyến khích phát triển mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao, trang trại sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, có quản lý chất lượng nông sản trong sản xuất, kinh doanh theo hướng VietGAP nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Huyện cũng có chính sách hỗ trợ các chủ trang trại về đất đai, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi... giúp các trang trại phát triển sản xuất lâu dài; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến, tiêu thụ hàng hóa nông sản...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để kinh tế trang trại Hà Nội phát triển xứng tầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.