(HNM) - Để loại bỏ xe hợp đồng trá hình, cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát hoạt động của loại hình xe này.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) kiểm tra, xử phạt xe hợp đồng trá hình.Ảnh: Anh Trọng |
Xe hợp đồng nở rộ - Nhiều hệ lụy phát sinh
Thời gian qua, những bất cập trong Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô đã khiến cho loại hình xe hợp đồng nở rộ, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường vận tải hành khách, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh tình trạng xe “dù”, bến “cóc”. Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, không ít doanh nghiệp đã đầu tư xe 16 chỗ rồi tháo bớt ghế trở thành các loại xe Limosine 8 chỗ vô tư đón trả khách các khu vực nội đô. Kèm theo đó là thuê văn phòng, trụ sở, nhưng thực chất biến các địa điểm đó thành nơi tập kết hành khách. Theo quy định, xe hợp đồng phải có danh sách hành khách, nhưng nhiều nhà xe chỉ lập danh sách khống để đối phó với cơ quan chức năng, hoạt động đón trả khách như xe khách liên tỉnh tuyến cố định. Các lực lượng chức năng cũng chỉ có thể xử phạt khi các phương tiện này đón - trả khách không đúng nơi quy định.
Nhận định về thực trạng quản lý xe “dù”, bến “cóc” hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Lê Đình Thọ cho rằng, nếu ở đâu chính quyền địa phương quản lý tốt sẽ không hình thành được xe “dù”, bến “cóc”. Theo kinh nghiệm trong quản lý hoạt động vận tải hành khách, tùy cung đường phải có điểm dừng đỗ, đón - trả khách. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề hiện nay là rất khó khăn trong việc bố trí điểm dừng đỗ, nhất là tại các đô thị, trên cao tốc hay quốc lộ. Chúng ta phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng điểm dừng đỗ cho các phương tiện.
Do đó, khi đầu tư các dự án, phải tính trước việc bố trí các điểm dừng đỗ để các phương tiện vận tải hoạt động hiệu quả nhất. Bộ GT-VT đã chỉ đạo nghiên cứu, giải quyết vấn đề này. Vì vậy, trong nghị định thay thế Nghị định 86 tới đây, sẽ phân cấp mạnh cho địa phương trong quản lý điểm dừng, đón trả khách. Sở GT-VT sẽ có kế hoạch và cùng chính quyền địa phương xác định các điểm dừng, đỗ. Cấp xã, phường có quyền xử phạt và tiền xử phạt này sẽ được thu vào ngân sách cho địa phương thì mới có trách nhiệm.
Đồng tình với quan điểm cần quy rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra hiện tượng xe “dù”, bến “cóc”, một số ý kiến cho rằng, tới đây, cần xây dựng quy chế làm rõ trách nhiệm của các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương. Cụ thể, nếu để tồn tại, phát sinh, tái diễn xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn quản lý, các cơ quan, lực lượng trên phải chịu trách nhiệm tương ứng với vai trò, chức năng của mình.
Ứng dụng công nghệ vào quản lý
Là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) nhấn mạnh, phải siết chặt xe hợp đồng từ chính các hợp đồng vận tải. Theo khái niệm trong Luật Giao thông đường bộ, xe hợp đồng hoạt động không theo tuyến cố định. Trong khi xe tuyến cố định là chạy từ bến đến bến, có quy hoạch từ trước. Vì vậy, dự thảo nghị định bổ sung quy định hợp đồng vận tải phải được ký trước khi thực hiện vận chuyển hành khách.
Hợp đồng vận tải được ký giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký 1 hợp đồng. Đối với xe hợp đồng từ 8 chỗ trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng phải thông tin đến Sở GT-VT về hợp đồng. Trước đó, quy định xe trên 10 chỗ mới cần báo cáo thông tin về hành trình, tuy nhiên do có hiện tượng nhiều nhà xe đã “lách” luật, tháo bớt ghế, vì vậy dự thảo quy định xe 8 chỗ trở lên đã phải thực hiện.
Dự thảo nghị định mới bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón - trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố); quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau để chống xe “dù”, bến “cóc”.
Xe hợp đồng cũng giống như taxi, đưa đón theo nhu cầu của khách. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với những khu vực có mật độ xe dày vì có thể ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, cần bổ sung quy định xe hợp đồng được đón - trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và công bố các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng trên địa bàn.
Liên quan tới giám sát xe hợp đồng, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian tới Tổng cục sẽ xây dựng phần mềm để đối chứng với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, làm cơ sở đưa ra chế tài xử phạt và sẽ cố gắng thực hiện theo phương thức xử phạt “nguội”. Ngoài thiết bị giám sát hành trình là công cụ giám sát, xử lý vi phạm, còn có hệ thống camera giám sát vi phạm trên các tuyến đường - đó là những nỗ lực hướng tới việc xử lý vi phạm công khai, minh bạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.