(HNM) - Trong lúc người dân đang lo lắng về chất lượng thực phẩm, quận Thanh Xuân là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tiên phong trong việc mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát...
Việc ra đời của các cửa hàng thực phẩm an toàn có kiểm soát sẽ góp phần giúp người tiêu dùng thêm yên tâm khi mua hàng. Ảnh: Thanh Xuân |
Minh bạch nguồn gốc sản phẩm
Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng. Trong hơn 10 tháng năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt 6.948 cơ sở với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Những vi phạm này cũng là nguyên nhân khiến toàn thành phố ghi nhận một vụ ngộ độc thực phẩm, làm 9 người mắc. Riêng ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) ghi nhận 11 vụ, 37 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong.
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của người dân Thủ đô, được sự cho phép của UBND TP Hà Nội, từ tháng 7-2016, quận Thanh Xuân đã chính thức khai trương 2 cửa hàng cung cấp thực phẩm có kiểm soát đầu tiên trên địa bàn Thủ đô tại phường Hạ Đình và phường Nhân Chính. Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân chia sẻ, điểm cung cấp thực phẩm an toàn không dễ thành công, nếu không có sự đầu tư bài bản cũng như sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Qua theo dõi và kiểm tra, Phòng Y tế, Phòng Kinh tế quận đã tìm được các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm có uy tín trên thị trường. Doanh nghiệp khi tham gia phải nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đúng quy định; đồng thời, phải cam kết kinh doanh theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, cam kết giá thành phù hợp và luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng. Quận sẽ hỗ trợ cung cấp quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cửa hàng và miễn, giảm chi phí thuê mặt bằng trong một năm.
Là một trong hai điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát đầu tiên đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay, cửa hàng tại phường Hạ Đình (số 2, ngõ 320, đường Khương Đình) đã tạo dựng được uy tín và được nhiều người tiêu dùng tìm đến. Chị Nguyễn Thùy Linh ở đường Khương Đình, phường Hạ Đình cho hay, chị thường đến đây để mua thực phẩm. Cửa hàng được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, công bố chứng nhận về an toàn thực phẩm. “Tâm lý khi mua hàng của người tiêu dùng nói chung vẫn là “trăm nghe không bằng một thấy”. Vì vậy, để khách hàng hoàn toàn tin tưởng, ngoài việc dán tem chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm, cửa hàng còn treo các giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… ở nơi trang trọng và dễ thấy, nên tôi rất yên tâm” - chị Nguyễn Thùy Linh nói.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm quận Thanh Xuân, trong hơn 10 tháng năm 2017, trên địa bàn quận đã có 4 cửa hàng bán thực phẩm an toàn có kiểm soát tại các phường: Hạ Đình, Nhân Chính, Kim Giang, Thanh Xuân Bắc, phục vụ được gần 34.000 lượt khách, tổng doanh thu gần 2,2 tỷ đồng. Trong tháng 11 này, quận còn khai trương thêm 1 cửa hàng tại phường Khương Mai, nâng số cửa hàng bán thực phẩm an toàn có kiểm soát lên con số 5.
Trách nhiệm của cả “ba bên”
Không chỉ đặt mục tiêu mỗi phường có 1 điểm cung cấp thực phẩm an toàn, quận Thanh Xuân còn đang xây dựng mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” tại phố Thượng Đình và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Lý do lựa chọn tuyến phố này, theo bà Phạm Hồng Diệp, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân, xuất phát từ thực trạng nơi đây tập trung tới 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với lượng khách hàng lớn. Để thay đổi thói quen từ kinh doanh “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm, chuyển sang một mô hình mới kiểm soát an toàn thực phẩm như ở Thượng Đình là không hề đơn giản. Tất cả 27 hộ kinh doanh ăn uống nơi đây đều phải lấy tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng như chính gia đình mình.
Ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết, UBND quận và UBND phường gần như phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp. Từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 tiêu chí an toàn thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch để họ lựa chọn… Tại tuyến phố điểm này, mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều được niêm yết công khai tấm biển “nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm” và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu...
Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định, khi những cửa hàng này đi vào hoạt động, quận và phường cũng xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ 2 lần/tuần/cơ sở trở lên. Ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, quận mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm định kỳ, đột xuất và nếu phát hiện vi phạm sẽ kịp thời xử lý. Quận cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại 11 phường.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm, cần ý thức, trách nhiệm của cả ba bên, gồm: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Đối với cơ quan quản lý, phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm, thậm chí rút giấy chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ những mô hình điểm hoạt động hiệu quả, tiếp tục quy hoạch, nhân rộng thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây mất mỹ quan đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.