Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không phải ''giải cứu nông sản''

Bắc Vũ| 02/06/2023 06:03

(HNM) - Hiện nay, một số loại trái cây ở nước ta bắt đầu vào vụ thu hoạch. Với sản lượng trái cây lớn, dồn vào một thời gian nhất định, vấn đề quan trọng đặt ra là cần bảo đảm tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, để không rơi vào tình cảnh phải “giải cứu nông sản”.

“Vựa” vải thiều lớn nhất miền Bắc là tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch (cao điểm từ ngày 25-5 đến 30-7-2023), với sản lượng ước tính hơn 180.000 tấn. Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có gần 9.000ha trồng vải, sản lượng khoảng 61.000 tấn, cũng đang bước vào những ngày cao điểm thu hái quả. Tương tự, các vùng trồng cây ăn quả như sầu riêng, mít, thanh long… ở miền Nam cũng đang được nông dân tập trung thu hoạch.

Trong khi đó, lâu nay, thị trường truyền thống cho những loại trái cây nói trên cũng như nhiều nông sản khác vẫn là Trung Quốc. Vì thế, với số lượng lớn loại quả đến vụ thu hoạch, tiêu thụ nên những ngày qua, số lượng xe chở hàng nông sản xuất khẩu đã tăng đột biến tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn. Theo dự báo, trong thời gian tới, phương tiện chở trái cây và nông sản xuất khẩu sẽ tiếp tục dồn về các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc. Thực tế này có thể xảy ra tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu, gia tăng chi phí, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 492/CĐ-TTg ngày 31-5-2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trên tinh thần cấp bách này, việc trước mắt là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu biên giới cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế về thời gian làm thủ tục thông quan, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, cần rà soát các quy định về xuất, nhập khẩu nông sản; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của nước nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, tăng thời gian cho thông quan và hiệu suất thông quan, không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng. Đồng thời, thông báo kịp thời, thường xuyên đến các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước về tình hình lưu thông, xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu để kịp thời điều chỉnh việc vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với các giải pháp cấp bách trước mắt, về lâu dài, các bộ, ngành chức năng và địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại cả thị trường trong nước và xuất khẩu với từng đối tượng ngành hàng và thị trường; đồng thời, đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khác nhau.

Các địa phương cần tập trung xây dựng, phát triển những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của địa phương theo quy hoạch.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là người nông dân cần chủ động kết hợp với đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản; thực hiện nghiêm quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là đáp ứng tốt yêu cầu về kiểm dịch và chất lượng nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không phải ''giải cứu nông sản''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.