Theo lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đang bước vào giai đoạn đầu tiên với trọng tâm là đào tạo, tập huấn nhằm tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho các đơn vị quản lý, chủ đầu tư. Qua đó giúp các bên liên quan chủ động ứng dụng BIM vào quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Không thể bàn lùi
Mô hình thông tin công trình (BIM) đang trở thành xu hướng mới và gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành Xây dựng trên toàn thế giới. Mô hình này sử dụng các công nghệ để số hóa thông tin của công trình, thể hiện qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành.
“Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai thực hiện, lộ trình áp dụng trong hoạt động xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023 với những yêu cầu đặt ra là bắt buộc”, Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) Đỗ Chí Hưng cho biết.
Theo đó, từ năm 2023, với các công trình cấp I, cấp đặc biệt và từ năm 2025, với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án bắt buộc áp dụng BIM. Tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin này cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu.
Tại Hà Nội, thành phố đã chấp thuận áp dụng mô hình thông tin công trình đối với 8 dự án, trong đó có 4 dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các bệnh viện như Đa khoa Đống Đa, Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Thận cơ sở 2; nâng cấp Trung tâm Pháp y Hà Nội; xây dựng Cung Văn hóa thể thao thanh niên, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 và Đại Lộ Thăng Long.
Ngoài ra, theo kế hoạch được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND (ngày 17-4-2024), giai đoạn 2024-2025, Hà Nội thực hiện đào tạo nâng cao khả năng áp dụng mô hình thông tin công trình cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng. Dự kiến trong Quý III-2024, Sở Xây dựng sẽ tổ chức 2 lớp đào tạo các kiến thức cơ bản về mô hình thông tin công trình giúp các cán bộ ngành Xây dựng nhận biết những thuật ngữ cơ bản, phương pháp xem, các nội dung cần xem, lưu giữ các tệp dữ liệu BIM...
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Khái quát thực trạng áp dụng BIM trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, ông Đỗ Chí Hưng nêu một số vướng mắc do thiếu kiến thức chuyên môn. Một số trường đại học bắt đầu đào tạo về mô hình này nhưng chưa chuyên sâu, các hướng dẫn, tiêu chuẩn chưa hoàn thiện, đầy đủ; thiếu phần mềm cốt lõi nền tảng để tất cả các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý cùng tương tác. Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ yếu tố phát sinh chi phí, tâm lý ngại thay đổi của các đơn vị quản lý, chủ đầu tư.
Sau quá trình tập huấn tại một số quận, huyện như Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín, Mỹ Đức, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính, Giảng viên chính Khoa Công trình (Đại học Giao thông Vận tải), Trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng BIM chia sẻ, các đơn vị đều thống nhất cao đây là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Một số chủ đầu tư đã đề xuất bổ sung chi phí áp dụng BIM nhằm vừa áp dụng kiến thức, vừa đào tạo nhân rộng trên chính dự án. Cụ thể, quận Long Biên đã bổ sung việc áp dụng mô hình với 2 dự án đang triển khai, coi đây là bước tập dượt hướng đến năm 2025, quận sẽ không còn gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng đại trà.
“Thống kê từ Mạng đấu thầu quốc gia về tổng số gói thầu sử dụng vốn đầu tư công áp dụng BIM từ tháng 5-2023 đến tháng 5-2024 trên phạm vi toàn quốc là 26 dự án, trong đó Hà Nội dẫn đầu với 6 dự án, gồm 4 dự án thuộc các ban quản lý dự án của thành phố và 2 dự án xây dựng các tuyến đường của huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính cho biết.
Từ thực tiễn phối hợp triển khai thành công nhiều dự án ứng dụng BIM tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC (tiền thân là Trung tâm Tin học của Bộ Xây dựng) Lương Thành Hưng khẳng định, trong điều kiện hệ thống cơ sở pháp lý đã tương đối đầy đủ, cơ chế thực hiện rõ ràng, các đơn vị, sở ngành, ban quản lý, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn trên địa bàn Hà Nội cần sớm triển khai để các bên liên quan không e dè trước BIM ...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính kiến nghị, Sở Xây dựng tham mưu thành phố tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, bổ sung hướng dẫn, tiêu chuẩn liên quan đến áp dụng BIM; khuyến khích các đơn vị quản lý, chủ đầu tư ứng dụng các công nghệ số, chấp thuận chi phí phát sinh. Với vai trò được giao, Sở đồng thời tăng cường công tác đào tạo nhân lực; sửa đổi các quy định cho phép các chủ thể được đầu tư, áp dụng trang thiết bị, phần mềm phù hợp và tạo môi trường dữ liệu chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.