(HNMĐT) - Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XIII vừa rồi, bài phát biểu tại phiên khai mạc của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã được đông đảo người dân đồng tình, hưởng ứng, bởi nó đề cập đến một vấn đề được coi là
Trong cuộc đời của mỗi con người, ít nhất có một lần phải đến cơ quan công quyền. Nếu như có một cuộc điều tra xã hội học về nhận xét của mỗi người sau lần phải đến “cửa quan” ấy, tôi dám chắc, số người thực sự hài lòng về thái độ, cung cách làm việc của các cán bộ ở đó không nhiều..Cám ơn Báo Hànộimới Điện tử đã mở diễn đàn về vấn đề rất thú vị này để chúng tôi có dịp được nói lên những suy nghĩ của mình với mong muốn công cuộc cải cách hành chính của Hà Nội thực sự hiệu quả, để không còn ai phải ngần ngại, thậm chí sợ, khi phải đến “cửa quan”.
Cách đây 3 năm, tôi lập gia đình. Hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tôi ra phường làm giấy đăng ký kết hôn. 14 giờ chiều, trụ sở UBND phường nơi tôi cư trú vẫn vắng tanh. Cùng cảnh đợi chờ như tôi còn có mấy người nữa xin xác nhận hồ sơ, xin sao giấy khai sinh, đăng ký khai sinh. 14 giờ 10, mấy cán bộ văn phòng mới đến.
Khác với dự đoán của tôi rằng đến muộn, các cán bộ sẽ xin lỗi rồi hỏi xem nhu cầu của từng người là gì, mấy cán bộ văn phòng vẫn thản nhiên như không. Họ không xin lỗi, không cảm thấy có lỗi khi quá giờ quy định mới đến văn phòng làm việc. Chờ các cán bộ làm thủ tục nước non, thăm hỏi nhau xong, tôi mới vào đề nghị yêu cầu của mình. Một chị còn rất trẻ bảo, hôm nay không phải là ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn. Nói khó mãi, chị mới nhận hồ sơ. Đang chờ chị cán bộ viết giấy hẹn, tôi nghe thấy tiếng một chị khác ở trên tầng 2 gọi xuống: “H. ơi, lên đây nhanh lên”. Chị cán bộ ngẩng lên bảo, “Chờ tý, em đang viết giấy hẹn cho người đến đăng ký kết hôn”. Thật bất ngờ, tiếng chị trên gác sang sảng: “Nhanh lên đi, hôm nay có phải là ngày đăng ký kết hôn đâu mà mày nhận hồ sơ”…
Cuối cùng, tôi cũng lấy được giấy hẹn, giấy đăng ký kết hôn nhưng ấn tượng về lần ra phường, được tiếp xúc với các cán bộ của UBND phường nơi mình cư trú, thật không lấy gì làm dễ chịu. Phải chăng, những cán bộ này không thuộc nội quy của cơ quan được in rất rõ ràng ngay trên lối vào. Phải chăng, họ đã quen với cách làm việc “qua sông thì phải lụy đò” mà họ chính là những con đò còn nặng nề tác phong cửa quyền.
Để giải quyết tình trạng trên,góp phần để thành phố chúng ta thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, theo tôi, mỗi một cơ quan công quyền nên tổ chức quán triệt cho tất cả cán bộ, công nhân viên nắm thật chắc về giờ làm việc, tác phong, thái độ khi tiếp xúc với nhân dân, với đồng nghiệp trước mặt nhân dân…Cử ra một người(một số UBND phường đã chọn trưởng ban bảo vệ) ngồi tại phòng thường trực ghi lại giờ đi làm của từng cán bộ. Người này phải thực sự vô tư, khách quan, trung thực. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt(phạt tiền lương, phạt xét danh hiệu thi đua). Song song với những việc đó, cơ quan có thểđặt hòm tiếp thu đơn từ, ý kiến của mọi người khi đến làm việc ở một vị trí thuận lợi, dễ thấy và phải xử lý những ý kiến đóng góp này một cách nghiêm túc. Ai vi phạm phải bị xử lý nghiêm để tạo lòng tin của nhân dân, có tác dụng răn đe, giáo dục với cán bộ khác.
M.H(ghi)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.