Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để khoa học là một phần của văn hóa

Mai Hà - Lê Hạnh| 03/10/2014 06:42

(HNM) - Chỉ khi nào xã hội nhận thức khoa học là một phần của văn hóa, nó đến tự nhiên như những hoạt động xã hội hằng ngày thì khi đó khoa học mới thực sự đi vào cuộc sống - đó là quan điểm của hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) Pháp.


Tại thành phố khoa học của Pháp, các em học sinh được tham quan các mô hình và thực hành những ví dụ trực quan sinh động. Ảnh: Mai Hà


Có chiến lược quốc gia về văn hóa KH&CN

Ông Dominique Chaton, Vụ trưởng, phụ trách quan hệ Châu Á, Bộ Đại học và Nghiên cứu Pháp cho biết, ông rất ấn tượng với những gì mà Việt Nam đã và đang đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng của sự năng động, sáng tạo, dám bứt phá và đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Để đạt được điều này, ông Dominique Chaton cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của KH&CN và sự quan tâm đến lĩnh vực truyền thông KH&CN của Chính phủ Việt Nam. Chia sẻ về những kinh nghiệm dưới góc độ quản lý vĩ mô, ông Dominique Chaton cho biết: Hoạt động truyền thông KH&CN của Pháp đặc biệt chú trọng gắn khoa học với văn hóa - xã hội. Với quan điểm, chỉ khi nào xã hội nhận thức khoa học là một phần của văn hóa, nó đến tự nhiên như những hoạt động xã hội hằng ngày thì khi đó khoa học mới thực sự đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, rất dễ nhận thấy mô hình trao đổi giữa các nhà khoa học hàn lâm với giới trẻ, công chúng thông qua hoạt động hội thảo, gặp gỡ, giao lưu…

Để thực hiện những mục tiêu này, tại Pháp, một chương trình chiến lược quốc gia về văn hóa khoa học và công nghệ đã được xây dựng và đến với từng địa phương. Chiến lược của địa phương về truyền bá văn hóa khoa học có thể được phản ánh trực tiếp trong nội dung chương trình giảng dạy tại các trường học, đặc biệt tại các trường phổ thông - nơi những giáo viên đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ. Các viện nghiên cứu cũng xây dựng kế hoạch truyền bá văn hóa khoa học cụ thể trình Bộ Đại học và Nghiên cứu xem xét ký hợp đồng. Theo đó, các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh sẽ bao gồm cả nhiệm vụ đối thoại với công chúng về các vấn đề khoa học, ví dụ như mỗi tổ nghiên cứu sẽ có trách nhiệm truyền bá về văn hóa khoa học tại một lớp ở trường học nào đó.

Đưa KH&CN tới gần công chúng

Ông Dominique Chaton đánh giá cao việc Việt Nam bắt đầu từ năm 2014 đã tổ chức Ngày KH&CN và cho biết, tại Pháp, sự kiện này được tổ chức đều đặn vào đầu tháng 10 hằng năm. Tại Ngày hội Khoa học, các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, hội thảo, trình diễn công nghệ… diễn ra sôi nổi trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, mỗi đơn vị nghiên cứu, đào tạo về KH&CN có những chủ đề, hoạt động đặc trưng của mình. Viện Hàn lâm Khoa học Pháp có thể tổ chức gặp gỡ giữa các em học sinh từ 16 đến 18 tuổi đam mê khoa học với các viện sĩ hàn lâm nổi tiếng. Khoảng 100 em được tuyển chọn từ địa phương, sau đó qua vòng tuyển chọn cấp quốc gia để được tham gia cuộc gặp này. Ở đó, những nhà khoa học thành danh sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và truyền ngọn lửa đam mê khoa học cho các em. Chính phủ Pháp cũng đã đầu tư xây dựng một thành phố khoa học nhằm đưa khoa học gần với công chúng, đặc biệt là giới trẻ thông qua các triển lãm, chương trình chuyên đề, hội thảo, mô hình trực quan sinh động…

Nhà nước cũng kêu gọi các cá nhân, tổ chức đăng ký những dự án mang tính sáng kiến, ví dụ các dự án xây dựng cổng thông tin nơi người ta có thể chia sẻ, tham khảo những kinh nghiệm hữu ích nhất trong truyền bá văn hóa khoa học, hay những kinh nghiệm về các phương pháp đổi mới sáng tạo đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Các dự án này sẽ giúp hoạt động truyền bá khoa học ngày càng được phát huy, mở rộng đối tượng hướng đến và xây dựng được nhiều chương trình truyền thông đại chúng mới mẻ. Bên cạnh đó, để theo dõi những vấn đề gây tranh cãi liên quan tới KH&CN, Bộ Đại học và Nghiên cứu thành lập ra một đơn vị chuyên trách. Nhiều hội thảo được tổ chức trong cả nước nhằm thảo luận về các vấn đề chuyên môn, đạo đức khoa học cũng như để tăng cường đối thoại và điều hòa những bất đồng.

Truyền thông KH&CN tại Pháp nhìn chung cũng có những hoạt động giống như tại Việt Nam, song điểm khác biệt đáng ghi nhận là hầu hết các hoạt động này đều được Chính phủ Pháp tài trợ và là hoạt động phi lợi nhuận. Tất cả ấn phẩm, sản phẩm truyền thông đều được phát hành miễn phí đến người dân theo số lượng đăng ký. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông KH&CN Pháp cũng có sự phân chia đối tượng truyền thông rất rõ ràng, đặc biệt là đối tượng nhà quản lý - người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra những quyết sách liên quan đến hoạt động KH&CN.

Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm với các nhà hoạt động truyền thông KH&CN của Việt Nam, một số đơn vị như Viện Hàn lâm Công nghệ Pháp, Viện Nghiên cứu và phát triển Pháp cho biết sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để tìm hiểu và đúc rút kinh nghiệm cho các hoạt động này. Việc đầu tư xây dựng một "thành phố khoa học" theo mô hình của Pháp cũng là đích hướng tới của các hoạt động hợp tác truyền thông KH&CN giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để khoa học là một phần của văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.