Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hết “khát” nước sạch

Bảo Vy| 05/07/2016 07:15

(HNM) - Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn rất thấp, chỉ đạt 35,5%. Trong khi đó, nhiều trạm cấp nước trị giá hàng chục tỷ đồng xây dựng xong vẫn chưa thể vận hành do thiếu nguồn nước cấp hoặc chưa có hệ thống đường ống để đưa nước về tới các hộ dân...


Những năm qua, Hà Nội đã đầu tư xây dựng 110 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 83 công trình hoạt động ổn định, 4 công trình thành phố cho phép thanh lý thu hồi tài sản hoặc dừng đầu tư và có tới 23 công trình không hoạt động. Điển hình là công trình nhà máy cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) khởi công xây dựng với số tiền lên tới 40 tỷ đồng, nhưng do thiếu nguồn cấp, người dân vẫn rất “khát” nước sạch. Hay trạm cấp nước thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) sau khi xây dựng xong, UBND xã đã giao cho HTX nông nghiệp quản lý và vận hành, nhưng chỉ 6 tháng sau phải dừng hoạt động do thu không đủ bù chi. Hiện trạm cấp nước này không cung cấp nước cho người dân mà chỉ cung cấp nước cho Trường Mầm non Võng Xuyên B với lưu lượng 500m3/tháng. Tiếp đó là trạm cấp nước thôn Thượng (xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) xây dựng trong giai đoạn 1995-2000, do công tác quản lý vận hành không tốt nên đã hư hỏng…

Về vấn đề này, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) cho biết: Hiệu suất hoạt động trung bình của tất cả các trạm chỉ đạt 75% so với thiết kế, một số trạm hoạt động ở mức thấp, cầm chừng theo mùa. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước lại cao (trung bình 30%) do phần lớn các công trình xây dựng từ lâu nhưng không có kinh phí bảo trì. Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2016 có 100% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó 38% được dùng nước sạch, so với con số hiện nay là 35,5% thì cần có quyết tâm rất lớn. UBND thành phố đang triển khai 6 dự án thí điểm nước sạch liên xã thuộc các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Nếu các dự án này hiệu quả thì thành phố sẽ nhân rộng.

Dù vậy, để ngày càng có nhiều người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, cùng với thực hiện thí điểm các dự án trên, thành phố cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi khi đầu tư lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các huyện cần quan tâm tập huấn cho lực lượng làm công tác quản lý, vận hành hệ thống cung cấp nước sạch những kỹ năng cần thiết cho quá trình vận hành. Ngoài ra, các nhà máy nước cần hạch toán tốt để dành kinh phí phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để hết “khát” nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.