Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hàng Việt chinh phục thị trường ''khó tính''

Vĩnh Hà| 06/06/2021 06:23

(HNM) - Để chinh phục các thị trường “khó tính”, ngoài nâng cao chất lượng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải chú trọng xây dựng thương hiệu, tăng sự khác biệt với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác… Đây là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Sơ chế vải thiều tại Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Toàn Cầu để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Đỗ Quân

- Thời gian qua, hàng hóa Việt Nam đã ngày càng vươn xa tới nhiều thị trường lớn, thị trường “khó tính”. Bà có thể cho biết rõ hơn về thực tế này?

- Trong những năm gần đây, xuất khẩu nước ta đã có tăng trưởng tích cực, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới chiều sâu. Đặc biệt, nhờ kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm soát đối với thực phẩm biến đổi gen, truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn thực phẩm… nên hàng Việt Nam đã tiếp cận các thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng từ 33,47 tỷ USD lên 77,08 tỷ USD (tăng 130%), Liên minh châu Âu (không tính Anh) tăng từ 26,3 tỷ USD lên 35,14 tỷ USD (tăng 33,6%), Nhật Bản tăng từ 14,13 tỷ USD lên 19,28 tỷ USD (tăng 36%)…

Tăng trưởng tích cực ghi nhận ở kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản và rau quả sang một số thị trường lớn, khó thâm nhập cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang “vượt rào” thành công. Như với thủy sản, trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 23% (từ 1,3 tỷ USD lên 1,6 tỷ USD), sang Nhật Bản tăng 36% (từ 1 tỷ USD lên 1,4 tỷ USD)… Ngay trong khó khăn do dịch Covid-19, nhiều lô hàng trái cây Việt Nam như vải, xoài, thanh long… vẫn tiếp cận các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia…

- Bà có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn khi thâm nhập thị trường lớn?

- Thuận lợi là hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới (trừ Hoa Kỳ) đều đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Theo đó, thuế nhập khẩu đã được dỡ bỏ hoặc cắt giảm. Thâm nhập các thị trường lớn giúp mang lại những đơn hàng có giá trị cao và ổn định cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất theo quy mô lớn và kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Dự báo, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại khu vực châu Mỹ và châu Âu, nhu cầu tiêu dùng hồi phục, kèm theo chính sách kích cầu từ chính phủ các nước sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa Việt Nam cần vượt qua yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, được đánh giá là rất cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đối diện với các rủi ro về pháp lý, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các nước cung cấp các sản phẩm tương tự… khi xuất khẩu sang các thị trường lớn này.

- Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp nào để hàng Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn, thưa bà?

- Để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường lớn, Bộ Công Thương đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực thương mại quốc tế và tăng cường thông tin đến các doanh nghiệp. Bộ cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận và tiêu thụ hàng hóa tại các hệ thống phân phối nước ngoài.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng được triển khai hiệu quả. Gần đây nhất là hoạt động xúc tiến xuất khẩu vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, xoài, nhãn của Sơn La hay hoạt động quảng bá trái cây Việt Nam do thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, Singapore… triển khai tại các nước sở tại.

Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng Việt Nam ra thị trường thế giới của cơ quan chức năng, các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đã tập trung xây dựng thương hiệu, cụ thể là tạo ra sự khác biệt của sản phẩm Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Doanh nghiệp cũng tập trung đầu tư bao bì hay giải pháp truyền thông.

- Theo bà, các doanh nghiệp cần làm gì để có thể thâm nhập sâu hơn tới các thị trường “khó tính”?

- Nếu như nỗ lực từ phía Chính phủ trong việc kết nối, đàm phán mở cửa thành công được coi là điều kiện cần thì nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới hoạt động sản xuất, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường là điều kiện đủ để sản phẩm của nước ta tiếp cận được các thị trường “khó tính”.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong dài hạn, giải pháp căn cơ là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường với giá cả ngày càng cạnh tranh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để hàng Việt chinh phục thị trường ''khó tính''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.