Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hàng “nội” khẳng định vị trí trên “sân nhà”

Gia Bình| 28/12/2011 07:37

(HNM) - Năm 2012, kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo còn nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu là một trong những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng mạnh, các doanh nghiệp (DN) ở nhiều khu vực kinh tế, trong đó có các DN nước ta đang có những chiến lược khai thác mạnh trên


Tại hội thảo về "Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012" vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công thương cảnh báo, DN trong nước cần có chiến lược khai thác thị trường nội địa, bởi thời gian và cơ hội cho hàng Việt khẳng định vị trí của mình trên thị trường "nội" sẽ ngày càng ít đi khi cánh cửa đã rộng mở cho hàng "ngoại" vào thị trường trong nước theo lộ trình cam kết WTO. Với thế mạnh là sau hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", người dân đã hiểu hơn về việc sử dụng các sản phẩm do các DN trong nước sản xuất. Đặc biệt, 2 năm qua Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức được hàng trăm đợt bán hàng về nông thôn với hàng nghìn lượt DN tham gia, tổ chức khoảng 6.000 gian hàng, thu hút được khoảng chục triệu lượt khách tham quan, mua sắm và đạt doanh thu tới gần 100 nghìn tỷ đồng. Trong hệ thống phân phối, các siêu thị như Metro, BigC, Saigon Co.op, Fivimart, Hapro... tỷ lệ hàng Việt đã tăng lên, khoảng 80-95% (tùy siêu thị). Thực tế này cho thấy, việc dùng hàng Việt của người dân đã có chuyển biến, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng trên thị trường bán lẻ ở nước ta. Bởi 2 năm gần đây, doanh thu bán lẻ trung bình đạt hơn 77,8 tỷ USD/năm và dự báo năm 2012 là khoảng 85 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, trong cơ cấu dân cư, số người quyết định chi tiêu (người làm ra tiền) lớn gấp 2 lần số người phụ thuộc, thì có tới 70% tổng số thu nhập được dành cho mua sắm hàng hóa. Việc mua sắm của dân cư cũng phân bổ không đều, tại những thành phố lớn với số dân chiếm 16% trong tổng số cả nước sức mua chiếm tới 39% tổng doanh số các mặt hàng tiêu dùng và trong tổng số 86 triệu dân, tỷ lệ 20% người giàu có sức tiêu thụ tới 43,3%. Nhưng trên thực tế xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành 2 nhân tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Song, các DN chưa nghĩ tới việc sản xuất ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao để phục vụ cho người tiêu dùng (NTD) nội địa. Trong khi đó, những năm trở lại đây cơ cấu thu nhập và phong cách tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi. Việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ chưa bắt nhịp được với những thay đổi này. Đây là cơ hội cho hàng nhập khẩu, hàng lậu có "đất" để tồn tại. Tính đến nay, cả nước có hơn 450 siêu thị, hơn 80 trung tâm thương mại và hơn 2.000 cửa hàng và gần 10.000 chợ truyền thống. Trong số này, hàng hóa được lưu thông qua hệ thống thương mại hiện đại chiếm 15-25%, khoảng 45% qua hệ thống chợ truyền thống, còn lại thông qua các hộ kinh doanh bán lẻ.

Mặc dù hàng hóa do các DN trong nước sản xuất đã chiếm tỷ lệ khá lớn trong hệ thống phân phối hiện đại, nhưng lại chưa vào được hệ thống phân phối truyền thống, nhất là các chợ ở các vùng miền là đầu mối giao hàng cho cả vùng, thậm chí cả nước, như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Rồng (Nam Định), chợ Đông Ba (Huế), chợ Hàn (Đà Nẵng), chợ Bến Thành (Sài Gòn)... Trong những chợ này tồn tại nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ để phân phối đi các chợ quê, các hộ kinh doanh bán lẻ trên cả nước. Vì thế, đã đến lúc cần "sốc" lại hệ thống phân phối để có cách tổ chức nhằm đưa được hàng Việt đến gần với người dân. Để làm được việc này các nhà quản lý, nhất là các DN sản xuất, phân phối cần hợp tác để ngăn chặn sự thâm nhập hàng nhập lậu vào thị trường trong nước. Đặc biệt, phải có được những biện pháp phù hợp để nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn trong sử dụng cho hàng Việt thì mới chiếm được cảm tình của NTD và giành lại được thị phần. NTD Việt đang rất ưa chuộng các sản phẩm do các DN trong nước sản xuất, trong đó có đồ sứ Minh Long, Hải Dương; phích nước Rạng Đông; quạt Điện cơ; áo sơ mi Việt Tiến, May 10... Điều đó chứng tỏ người Việt không quay lưng lại với hàng "nội" nếu các nhà sản xuất biết trân trọng NTD, am hiểu và tìm cách thỏa mãn nhu cầu của NTD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để hàng “nội” khẳng định vị trí trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.