Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội trở thành “lá phổi xanh”

Khánh Khoa| 31/10/2015 07:11

(HNM) - Nhiều mương, sông, ao hồ được cải tạo chống ô nhiễm, trở thành


Những năm trước, khi chuẩn bị đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã mời gọi và được các doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia đầu tư cải tạo các hồ nội thành, nhằm thay đổi cảnh quan, cải thiện môi trường. Nhiều hồ, từ chỗ chứa rác, nước thải đã trở thành "lá phổi xanh", là nơi vui chơi, giải trí của người dân trong khu vực. Vingroup - một trong số những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng chương trình cải tạo môi trường hồ Hà Nội. Hồ Thạch Bàn 1, rộng 2,5ha, được Vingroup hoàn thành sau 2 tháng, với khối lượng công việc "đồ sộ" như nạo vét bùn, tạo độ sâu 4,5m; xây dựng kè, lắp đặt chiếu sáng, trồng cây xanh cảnh quan cho khu vực…

Hồ Vả (quận Tây Hồ) - điểm nhấn cảnh quan trước Khách sạn Thắng Lợi. Ảnh: Mạnh Hà


Đặc biệt, toàn bộ nước thải được thu gom, đưa vào hệ thống nước thải thành phố. Hồ chỉ tiếp nhận nước mưa và trở thành hồ điều hòa cho khu vực. Tương tự là Hồ Vả (quận Tây Hồ), vốn bị biến thành ao tù chứa nước thải và rác, cũng "lột xác" trở thành điểm nhấn cảnh quan ngay trước lối vào khách sạn Thắng Lợi, sau khi được Tổng công ty UDIC đầu tư cải tạo. Chỉ tính riêng giai đoạn 1 của chương trình, UBND TP Hà Nội đã giao cho 15 doanh nghiệp tài trợ làm chủ đầu tư cải tạo môi trường 15 hồ, với tổng số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cùng với việc xã hội hóa cải tạo hồ nội thành, thành phố cũng thử nghiệm, xử lý thành công ô nhiễm môi trường 12 hồ, bằng 5 công nghệ khác nhau. Các hồ này được giao cho đơn vị tiếp nhận duy trì chất lượng nước; sau xử lý, cơ bản đều đang phát huy hiệu quả, chất lượng vệ sinh môi trường xung quanh hồ được cải thiện. Khu vực nội thành không còn hồ bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc dư luận.

Xử lý tình trạng sông, hồ nội thành bị ô nhiễm, Hà Nội đã có nhiều dự án đầu tư. Điển hình là dự án cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch, với việc hoàn thành cơ bản 2 tuyến đường dọc sông, đã chấm dứt tình trạng lấn chiếm, đổ rác hai bên bờ sông. Tiếp đó, trong khuôn khổ Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II, nhiều tuyến mương, sông, hồ có nhiệm vụ điều hòa, tiêu thoát nước mưa cũng được cải tạo, nâng cấp, vừa bảo đảm năng lực thoát nước, vừa tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp cho thành phố. Để cải thiện chất lượng môi trường nước các con sông, thành phố đã đầu tư và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải: Yên Sở, công suất 200.000m3/ngày-đêm; Hồ Tây, công suất 15.000m3/ngày-đêm; Trạm xử lý nước thải Bảy Mẫu 13.300m3/ngày-đêm… Hiện, toàn thành phố có 5 nhà máy, trạm xử lý nước thải, xử lý khoảng 250.000m3/ngày-đêm nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào hệ thống thoát nước thành phố.

Đối với khu vực ngoại thành, làng nghề, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho các quận, huyện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, như Cụm Tiểu thủ công nghiệp (CTTCN) Cơ khí Phùng Xá (Thạch Thất), công suất 200m3/ngày-đêm; CTTCN Duyên Thái (Thường Tín), công suất 500m3/ngày-đêm. Các CTTCN làng nghề được đầu tư hệ thống thu gom, bể chứa nước thải, lắng, lọc đạt tiêu chuẩn có Vạn Phúc (Hà Đông), Tân Triều (Thanh Trì), Bát Tràng (Gia Lâm), Tân Hội (Đan Phượng), Vân Hà (Đông Anh), Di Trạch (Hoài Đức), Kim Quan (Thạch Thất), Liên Hà (Đan Phượng), Phú Thịnh (Sơn Tây)… Một số làng nghề khác như Làng rèn Đa Sỹ (Hà Đông), Hữu Hòa (Thanh Trì), Phượng Dực (Phú Xuyên)… đang tiếp tục triển khai dự án xử lý nước thải. Riêng khu vực xã Dương Liễu (Hoài Đức), được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, với công suất 13.000m3/ngày-đêm, xử lý nước thải cho 3 làng nghề là Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai. Dự kiến, nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 2016.

Với việc triển khai hàng loạt dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tương tự, các khu công nghiệp tập trung đã hoạt động trên địa bàn thành phố đều được đầu tư hệ thống, trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó 32 cụm công nghiệp đã vận hành hoặc đang đầu tư trạm xử lý nước thải. Đối với nguồn nước thải từ bệnh viện, các trạm y tế, phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế cũng được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc sử dụng phương pháp xử lý hóa chất khử trùng trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung thành phố.

Riêng lĩnh vực xử lý nước thải, Hà Nội đã có kế hoạch triển khai quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực Sông Nhuệ - Đáy đến năm 2030; kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước đô thị và kế hoạch phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, Hà Nội có thêm các nhà máy xử lý nước thải: Phú Đô công suất 84.000m3/ngày-đêm; Yên Xá, công suất 270.000m3/ngày-đêm. Ngoài ra còn dự án thí điểm xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại các điểm xả thải vào Sông Nhuệ, công suất dự kiến 1.500 - 2.000m3/ngày-đêm. Thành phố "gọi" đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy nhanh việc xây dựng công trình xử lý nước thải, tách nước thải và xử lý tại nguồn theo từng lưu vực trước khi đổ vào sông, hồ. Thành phố đã kiểm tra tổng thể các dự án phát triển đô thị về thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải; có chế tài buộc chủ đầu tư tuân thủ nghiêm quy hoạch, xây dựng hạ tầng môi trường đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nếu chủ đầu tư không thực hiện sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực nội thành đạt 100%, với lượng rác phát sinh khoảng 4.500 tấn/ngày. Ở ngoại thành, tỷ lệ này đạt hơn 85%, với lượng rác sinh hoạt khoảng 2.500 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác sinh hoạt thu gom được xử lý bằng chôn lấp (tỷ lệ 90%) và đốt (10%). Với rác thải công nghiệp, tỷ lệ thu gom với rác không nguy hại là 90%, với rác nguy hại trên 70%; số chưa thu gom được lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định. Lượng rác thải y tế phát sinh bình quân hơn 8 tấn/ngày, trong đó hơn 1,1 tấn rác nguy hại được xử lý bằng lò đốt tại chỗ và khu xử lý tập trung. Rác y tế thông thường được thu gom, phân loại tái chế hoặc xử lý theo quy định.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội trở thành “lá phổi xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.