Đô thị

Để Hà Nội thêm xanh

Hồng Anh 11/10/2024 - 06:09

Hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa và sông, hồ tại Hà Nội chính là những “lá phổi xanh” thể hiện sức sống, tạo cảnh quan tươi đẹp, sức hấp dẫn cho thành phố.

Chăm chút cho màu xanh cũng chính là cách thiết thực nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho người dân, tạo dựng giá trị bền vững theo thời gian.

a-t34.jpg
Hà Nội cần có thêm nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái. Ảnh: Bảo Đan

Gìn giữ những mảng xanh

Là nhà khoa học về cây xanh, TS. KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, kiêm Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam đã khảo sát, tường tận 198 loài thuộc 53 họ thực vật là cây bóng mát trồng trên địa bàn các quận Hà Nội. Ông thuộc từng tên đường, góc phố gắn với những loài như xà cừ, sữa, sấu, muồng, bằng lăng, sưa đỏ, vàng anh, nhội... Người sống ở Hà Nội lâu năm thường cho mình thứ đặc quyền là chỉ cần nhìn cây, ngắm hoa, thậm chí ngửi mùi thơm là biết ngay ra tên đường, tên phố như thế.

TS Phạm Anh Tuấn quan niệm, chẳng riêng Thủ đô mà ở bất cứ đâu, cây xanh, mặt nước đều phải được coi trọng, bởi đó là giá trị của cuộc sống. Ông thực sự thấy ấn tượng khi Hà Nội luôn đi đầu, quan tâm mạnh mẽ và tạo những kết quả nhất định trong xây dựng, cải tạo vườn hoa, cây xanh, làm sạch chất lượng nước sông, hồ. Điển hình như việc phủ xanh cho Hà Nội với chương trình trồng 1 triệu cây xanh hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện song hành cùng các chương trình khác.

Thống kê mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 toàn thành phố đã trồng được trên 987.000 cây bóng mát, cây lâm nghiệp các loại cùng trên 260.000 cây xanh đơn lẻ, khóm, cây mảng, thảm cỏ. Triển khai kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 8-3-2023 của UBND thành phố về việc trồng mới 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025, hiện các đơn vị đã trồng hơn 101.000 cây xanh và dự kiến tiếp tục trồng khoảng 400.000 cây.

“Trên cơ sở quy trình, định mức được Thành phố ban hành, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác quản lý, duy trì hệ thống cây xanh, nâng cao chất lượng và đảm bảo cảnh quan đô thị” - ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội khẳng định.

Về một mảng xanh khác, nhờ đó mà Hà Nội vẫn tự hào được gọi là “thành phố sông hồ”, với khoảng 100 hồ lớn nhỏ hiện đang được phân bổ khắp các xã, phường, Thành phố đã thực hiện triệt để việc chống lấn chiếm, san lấp và làm sạch mặt nước, hồi sinh các hồ tù, đọng bằng bè thủy sinh, hệ thống phun nước. Với các hồ nước dù là nhỏ nhất, cộng đồng dân cư quanh hồ đều coi đó là tài sản quý giá, nhắc nhở nhau cùng trồng cây xanh xung quanh, trang trí thêm đèn màu sắc để tạo cảnh quan sinh động.

Gần đây, lan truyền một câu chuyện vui tại thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) khi ao làng trong thôn được tận dụng làm bể bơi cho trẻ em. Mỗi hộ gia đình tự nguyện hiến đất trồng rau màu, hộ ít thì hơn chục mét vuông, hộ nhiều trên 100m2. Tất cả đồng lòng góp tiền để kè ao với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Một số gia đình còn ủng hộ cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng, đài phun nước với mục đích tạo dựng bể bơi công cộng cùng không gian vui chơi an toàn, sạch đẹp.

Trên phạm vi toàn thành phố, nhằm từng bước đạt chỉ tiêu theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là diện tích không gian xanh bình quân mỗi người đạt 2,43m2, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng các dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông... Các công viên này đều có không gian xanh và diện tích mặt nước rộng, mang đến môi trường sống trong lành, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.

Xanh hóa Thủ đô

Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, với nhiều khu nhà cao tầng có khối tích và mật độ xây dựng lớn.

Theo KTS Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng), việc Thành phố gia tăng số công viên cây xanh sẽ góp phần làm “mềm hóa” không gian, tạo nên nhiều điểm nhấn thẩm mỹ - xanh - sinh thái cho khu vực nội đô, cũng như nâng cao tiện ích sống cho người dân, tiệm cận đến các giá trị sống xanh và sinh thái, cũng như cung cấp thêm các không gian thiết yếu cho nhu cầu giao lưu sinh hoạt cộng đồng, nghỉ ngơi thư giãn của người dân.

Diện mạo công viên Hà Nội đã và đang thay đổi nhanh chóng. Các mảng xanh, thảm hoa được thiết kế nhiều tầng tán, đan xen đẹp mắt. Thành công của các dự án cải tạo vườn hoa, công viên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình cung cấp kinh nghiệm để các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng học hỏi, thực hiện những dự án lớn, khoác “tấm áo mới” cho cảnh quan xung quanh các khu vực hồ Thiền Quang, hồ Hoàng Cầu. Trong các đồ án thiết kế được đưa ra lấy ý kiến, người dân cùng các chuyên gia đồng lòng hướng tới những mảng khối, đường nét và màu sắc hài hòa, thân thiện, gần gũi, hạn chế tối đa sự “bê tông hóa” để màu xanh thiên nhiên bao phủ khắp nơi.

Thống kê của Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” cho thấy, chỉ tiêu về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố được quan tâm đẩy mạnh thực hiện. Ban chỉ đạo đã đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31-12-2021 về cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Trong số này, nhiều công viên xây dựng mới đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành với quy mô lớn, vốn đầu tư “khủng”. Như Công viên Ngọc Thụy (quận Long Biên) có diện tích khoảng 7,2ha, tổng mức đầu tư 207,7 tỷ đồng; Công viên Long Biên (quận Long Biên), diện tích 21,5ha, tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng; Công viên hồ điều hòa CV1 (quận Thanh Xuân), diện tích 31,74ha, tổng mức đầu tư 744,7 tỷ đồng; Công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía nam nghĩa trang Mai Dịch, theo hình thức hợp đồng BT, diện tích 15,1ha; tổng mức đầu tư 648,6 tỷ đồng...

Đối với nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa, các quận đã hoàn thành 14 vườn hoa như Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trúc Bạch, Bãi Nhãn, Diên Hồng, Tao Đàn, Ngô Quyền, Pasteur, Tăng Bạt Hổ, Yersin, Hoàng Văn Thụ, Ngọc Lâm...

Về phía Sở Xây dựng, đơn vị đã tổng hợp danh mục 111 công viên, vườn hoa lớn, nhỏ do UBND các quận, huyện và các chủ đầu tư đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 ngoài Kế hoạch 332/KH-UBND. Trong đó, địa bàn các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng được bổ sung tổng cộng 10 vườn hoa. Riêng quận Long Biên được bổ sung 14 công viên, vườn hoa. Địa bàn các huyện bổ sung 1 công viên và 82 vườn hoa...

Những con số nói trên cho thấy sự nỗ lực, cố gắng từng ngày của các cấp chính quyền nhằm đáp ứng các tiêu chí về không gian xanh cho người dân trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Thành phố và mỗi người dân cùng đồng lòng gìn giữ, nhân lên màu xanh, để Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội thêm xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.