Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để giảm tỷ lệ ly hôn: Học cách sống chung

Vũ Minh| 06/07/2011 07:39

(HNM) - 10 năm sau khi Ngày Gia đình Việt Nam ra đời, các


Theo thống kê của tòa án nhân dân các cấp, số vụ ly hôn ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Hiện mỗi năm có khoảng 66.000 gia đình tan vỡ và kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) cho thấy một con số nhức nhối: cứ 3 cặp kết hôn thì sẽ có một cặp chia tay.

Không biết cách thích nghi


Các thành viên trong gia đình dành thời gian quan tâm, chia sẻ và vui chơi cùng nhau vun đắp mái ấm. Ảnh: Bảo Lâm


Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), số vụ ly hôn tăng trong những năm vừa qua và xu hướng này vẫn tiếp diễn. "Khi đi sâu phân tích các nguyên nhân để làm giảm tỉ lệ này, chúng tôi thấy các cặp vợ chồng đang rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung đầy khó khăn và nhiều khác biệt trong sinh hoạt", ông Minh nói.

Nghiên cứu quốc gia về gia đình mới nhất cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Điều đáng buồn là trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ, chồng trong độ tuổi 22-30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con. "Việc thiếu kỹ năng sống là một trong những nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly dị. Tôi đã gặp khá nhiều trường hợp vợ chồng trẻ ly hôn là con một trong gia đình. Những người này luôn được đặt ở vị trí trung tâm, được chiều chuộng nên thiếu sự chịu đựng, lòng vị tha. Khi hôn nhân không như mong đợi, họ ít ngồi nói chuyện bình tĩnh mà vội vã chia tay để tìm hạnh phúc mới". Ông Minh phân tích. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ đứng đơn ly hôn cao gấp đôi so với nam giới. Tuy điều này chứng tỏ nhận thức của nữ giới về quyền và địa vị của mình đã thay đổi, người phụ nữ chủ động hơn trong hạnh phúc của mình nhưng nó cũng cho thấy giá trị cá nhân được đề cao hơn. Khi đề cao "cái tôi", lại được tham gia nhiều vào các hoạt động bên ngoài xã hội thì mối quan hệ gia đình sẽ trở nên lỏng lẻo hơn và hôn nhân dễ bị đổ vỡ.

Không có điều kiện để thích nghi

Xã hội càng phát triển thì con người càng bận bịu với công việc và có ít thời gian quan tâm, chăm sóc nhau. Theo kết quả điều tra quốc gia về gia đình của Bộ VH-TT&DL thì có tới 20% các ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con cái do phải lo kiếm sống, hơn 80% trẻ vị thành niên (15-17 tuổi) cho biết được bố mẹ cho quyền tự quyết mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình. Điều này có nghĩa là, khi người vợ hay người chồng hoặc cả hai cứ mải lo kiếm tiền mà không dành thời gian để chăm sóc, nuôi dạy con cái thì khi con cái hư hỏng, vợ chồng sẽ nảy sinh mâu thuẫn và hậu quả sẽ rất khó lường. Những thay đổi về kinh tế cũng tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống con người trong đó có hôn nhân. Phát triển kinh tế làm cho mối quan hệ trong tổng thể gia đình ngày càng trở nên rời rạc. Để bảo đảm đời sống vật chất cho gia đình, cả nam giới lẫn phụ nữ phải bươn trải, điều vô tình đẩy họ ra xa khỏi chức năng người chồng, người cha, người vợ, người mẹ. Khi sợi dây ràng buộc trong gia đình ngày càng lỏng lẻo thì việc ly hôn chỉ là sớm muộn.

Bên cạnh đó, mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ trong đó các thành viên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau đang bị thay thế dần bởi mô hình gia đình hạt nhân. Bên cạnh đó, chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng được sự tiếp sức đắc lực của phim ảnh, internet và văn hóa nước ngoài khiến con cái ngày nay không còn gần gũi với cha mẹ và càng xa cách hơn với ông bà. Trong gia đình truyền thống trước đây, khi mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng xảy ra, họ có thể nhận được sự khuyên bảo của ông bà, bố mẹ và những người họ hàng. Mặt khác, do sống chung trong một gia đình lớn nên khi mâu thuẫn xảy ra, họ biết kiềm chế bản thân mình hơn do đó ly hôn ít xảy ra. Trong gia đình hiện đại, các cặp vợ chồng tự giải quyết vấn đề của mình. Mặt khác, sự biến động không ngừng của xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến những giá trị truyền thống của gia đình như: kính trên nhường dưới, coi trọng hôn nhân, sống có nghĩa tình... và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

Sự gia tăng của ly hôn đang là mối lo của toàn xã hội bởi nó mang lại nhiều hậu quả cho cả gia đình và xã hội. Để tránh đổ vỡ sau hôn nhân vì thiếu hiểu biết, giới trẻ cần phải được trang bị kiến thức cần thiết. Hiện ở nước ta đã có những lớp học tiền hôn nhân do các trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục tổ chức. Tuy nhiên đây chỉ là những buổi thảo luận nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa phổ biến. Vì thế, theo TS Nguyễn Hữu Minh, các lớp học tiền hôn nhân cần được triển khai một cách bài bản và có hệ thống. Đến đó, giới trẻ sẽ được trang bị những kiến thức về hôn nhân, giao tiếp trong gia đình, kỹ năng nuôi dạy con trẻ, cách xử lý những khác biệt với người bạn đời… để biết cách thích nghi và chung sống cùng nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để giảm tỷ lệ ly hôn: Học cách sống chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.