(HNM) - Từ ngày 11 đến 13-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 tại các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tỷ lệ nghèo giảm bình quân 2%/năm
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ nghèo giảm nhanh trên cả nước, bình quân 2%/năm; các huyện nghèo giảm 4%/năm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhận định, nếu tốc độ giảm nghèo luôn vượt kế hoạch sẽ góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hoàn thành trước mục tiêu giảm 50% hộ nghèo vào năm 2015 và điều này đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để giảm nghèo bền vững. Do hậu quả của thiên tai, bão lũ, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo chiếm khoảng 25-30% so với hộ thoát nghèo (trung bình cứ 3 hộ thoát nghèo có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo). Tỷ lệ hộ thoát nghèo chuyển sang cận nghèo còn cao do mức chuẩn nghèo còn thấp, không được cập nhật theo hằng năm, không phản ánh hết thực tế...
Dạy nghề trồng nấm cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Bảo Lâm |
Trong khi đó, mức độ "bao phủ" của chính sách trợ giúp xã hội chưa rộng khắp, mới chỉ đạt gần 3% dân số. Vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 tới hơn 4.139 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2013 là hơn 10.298 tỷ đồng nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, không có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo.
Cần điều chỉnh chính sách, chế độ đãi ngộ
Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập để đánh giá hộ nghèo hiện nay là chưa hợp lý. Cách làm này vô tình loại rất nhiều nhóm dân cư, bộ phận ra khỏi đối tượng nghèo, trong khi ở các khía cạnh khác họ vẫn thuộc diện nghèo (giáo dục, y tế, điều kiện sống..). Do đó, cần tiếp cận chuẩn nghèo theo phương pháp đa chiều để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả bền vững cho nhóm yếu thế có được cuộc sống tốt, ổn định hơn trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện đoàn giám sát đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần khoanh vùng các chính sách, chương trình giảm nghèo hiện có. Trên cơ sở đó nghiên cứu lồng ghép, kết nối các chương trình với nhau để tập trung tối đa nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp theo kiểu cho không, tăng các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đào tạo, dạy nghề hướng nghiệp; khi xây dựng chính sách, cần bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là đối với những chính sách liên quan đến sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tránh tình trạng chính sách mới được ban hành nhưng không đủ nguồn lực để thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần đánh giá rõ tình hình thiếu đất, mất đất và tác động đến việc phát sinh hộ nghèo, tái nghèo, từ đó mới có thể đề ra các giải pháp khắc phục cụ thể.
Ngoài những biện pháp này, theo TS Nguyễn Văn Sim, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ cần có chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác giảm nghèo. Những năm qua Việt Nam đã ban hành nhiều chế độ hỗ trợ cho tình nguyện viên, cộng tác viên (CTV) trong hoạt động giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, các chế độ, chính sách đã bộc lộ bất cập. Một trong những vướng mắc được ông Nguyễn Văn Sim nhấn mạnh là các biện pháp xã hội hóa hiện nay chỉ tập trung vào công tác phối, kết hợp giữa các tổ chức xã hội với chính quyền để tham gia giảm nghèo bền vững còn việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ trong hoạt động giảm nghèo bền vững chưa được chú trọng. Trong khi đó, đội ngũ tình nguyện viên, CTV có vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo. "CTV không chỉ là các trí thức trẻ mà còn bao gồm các lực lượng khác trong xã hội; cán bộ đương chức, hưu trí có chuyên môn cao, giàu tâm huyết; các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, già làng, trưởng bản; những người nước ngoài, bà con Việt kiều yêu nước làm ăn giỏi… Nếu chúng ta có những chính sách khuyến khích đội ngũ này tham gia vào công tác giảm nghèo thì hiệu quả đem lại rất lớn" - ông Nguyễn Văn Sim nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.