(HNM) - Văn học nghệ thuật, xuất bản phẩm là một dạng sản phẩm đặc biệt của văn hóa, một phương tiện dễ tác động vào tâm lý, tình cảm, tư tưởng, quan điểm các tầng lớp nhân dân. Ngoài chức năng thẩm mỹ, văn học còn có chức năng giáo dục và định hướng hành động.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nó trong đời sống xã hội nên nhiều năm qua, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh việc vận động sáng tác, tuyên truyền, khuếch trương, đánh bóng các tác phẩm văn học nghệ thuật, xuất bản phẩm nhằm “chuyển lửa” về nước, tạo hiệu ứng chống phá Đảng, chống phá chế độ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc.
Một trong những đối tượng được coi là đi đầu trong lĩnh vực này là Trịnh Hữu Long, với chức danh tự phong là Tổng Biên tập Luật khoa tạp chí, và Trần Quỳnh Vi, với vai trò là biên tập, một trang web bằng tiếng Việt, tiếng Anh đặt máy chủ ở nước ngoài. Cùng với các bài đăng tải trên trang web, từ năm 2022, mỗi tháng Long cho ra đời một số tạp chí chuyên đề bản PDF với vài chục trang. Dịp 30-4 trong các năm 2022, 2023, Long cho xuất bản chuyên đề Việt Nam Cộng hòa. Để chuẩn bị cho nội dung này, từ đầu tháng 3 các năm 2022 và 2023, Long đã cho đăng nội dung kêu gọi viết bài về Việt Nam Cộng hòa và miền Nam thời hậu chiến. Nội dung mà Long và đồng bọn hướng tới là phủ nhận thành quả cách mạng, ca ngợi chính quyền Việt Nam Cộng hòa; qua đó tìm cách gây khủng hoảng niềm tin xã hội cho nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Ngoài ra, một bộ phận người Việt ở hải ngoại trong nhiều năm qua đã sử dụng văn học, nghệ thuật làm công cụ tuyên truyền tư tưởng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới. Họ tung ra hàng loạt tác phẩm đủ các thể loại như tùy bút, nhật ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ... Mục đích của thế lực thù địch là ngụy tạo sự kiện, chứng cứ, làm sai sự thật nhằm phủ nhận thành quả cách mạng của nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cùng với đó, các thế thực thù địch, chống phá triệt để lợi dụng các kênh ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ để gây áp lực hòng tạo ra không gian hoạt động chống đối trong văn học, nghệ thuật trong nước...
Bên cạnh sự chống phá của các thế lực thù địch bên ngoài thì trong nước cũng xuất hiện khuynh hướng sáng tác văn học, nghệ thuật ngược dòng, trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Trong nước, không ít văn nghệ sĩ đã tận dụng uy tín cá nhân, tầm ảnh hưởng với xã hội lập tài khoản Blog, Zalo, Facebook... để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan. Một số trí thức, văn nghệ sĩ đăng tải những trạng thái, bài thơ, đoạn trích văn xuôi bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, gieo hoài nghi, nhằm tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá Đảng và chế độ ta. Hoạt động xuất bản phẩm cũng bị lợi dụng trở thành phương tiện để đạt mục đích “tẩy trắng cờ đỏ”. Họ phát tán tài liệu, bài viết, bản thảo có nội dung nhạy cảm, xấu độc và thù địch; đưa một số tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản ở nước ngoài có nội dung sai trái về chính trị để tuyên truyền xuyên tạc, kích động...
Những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhân dân, trong đó có giới trẻ. Đó là một mối nguy hại rất lớn, không thể xem nhẹ.
Thực tế hiện nay, một số bạn trẻ chưa có nhận thức đầy đủ và thấu đáo về lịch sử dân tộc nên dễ bị “nhiễu tư tưởng”. Họ suy nghĩ, sáng tạo ra các sản phẩm phi văn hóa nhưng lại nhanh chóng được lan truyền trên không gian mạng. Ví dụ gần đây trên TikTok xuất hiện bài ráp xuyên tạc bài thơ “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1949 với một câu có tính miệt thị hình tượng lịch sử và đi kèm rất nhiều ca từ nhảm nhí khác. Ngoài ra, clip minh họa còn xuất hiện nhiều hình ảnh rất phản cảm.
Trong văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đặt ra mục tiêu: “Nâng cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”. Những quan điểm này cho thấy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến phát triển các loại hình văn học nghệ thuật và xuất bản phẩm.
Với phương châm xây dựng Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; hàng chục năm qua, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo ngành Văn hóa và các địa phương tăng cường tổ chức sáng tác, quảng bá các hoạt động văn học nghệ thuật và xuất bản phẩm. Chỉ đạo các cấp, ngành mở các cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật, phục vụ nhân dân, hướng tới chân - thiện - mỹ. Điều đó đã chứng tỏ sự chủ động của Đảng ta trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Đứng trước những hành động “xâm lược” bằng văn hóa của các thế lực thù địch, mỗi chúng ta cần giữ vững niềm tin, tự xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị lung lay, dao động tư tưởng. Đồng thời, cần tiếp nhận những tác phẩm văn học nghệ thuật một cách cẩn trọng để không bị mắc vào âm mưu của các thế lực thù địch; tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng cho giới trẻ hiểu đúng, hiểu kỹ về lịch sử dựng nước và giữ nước; kiên quyết chống lại hiện tượng làm méo mó những tác phẩm văn học nghệ thuật đã có trong lịch sử vì các mục đích cá nhân hoặc trái với chủ trương, đường lối của Đảng... Trách nhiệm của mỗi người là chung tay xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, để các giá trị chân - thiện - mỹ của các loại hình văn học nghệ thuật sống mãi với nhân dân, với dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.