(HNMCT) - Nhớ có lần, nhà thơ Vũ Toàn nói với tôi: “Tôi có ông anh là nhà thơ Võ Văn Vinh, đang là sinh viên Đại học Luật thì đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo, vạn bất đắc dĩ phải bỏ học về quê Nghệ An làm ruộng. Rồi trở thành “nhà thơ - thợ cày” hoặc “thợ cày - nhà thơ” đúng nghĩa. Anh ấy là người có tinh thần tự học rất cao, đọc rất nhiều, làm thơ rất nhiều và có thơ hay”.
Tôi vốn lâu nay chỉ quan tâm: Ở đời, quan trọng nhất đối với một người, không phải anh ta từ đâu đến mà anh ta sẽ đi đến đâu? “Sẽ đi đến đâu?” là điểm đến, không phải điểm xuất phát và đấy mới là đích đến, mang giá trị, ý nghĩa đích thực của một đời người. Tôi tin Vũ Toàn, nhất là khi đọc “Cày đêm” của Võ Văn Vinh.
“Cày đêm” là một bài thơ viết theo thể lục bát truyền thống và được viết rất nhuyễn cả về vần điệu lẫn ý tứ. Trong nỗi vất vả: “Lưỡi cày vỡ nắng mặt trời/ Nắng chang chang nắng rợn người tháng năm”, “Dăng dăng sương lạnh tận lòng/ Mà sao vạt áo ướt đầm mồ hôi” mà vẫn yêu nghề, thoát ly hiện thực để bay bổng: “Gió qua gốc rạ rỗng rênh/ Mây trên trời đất bồng bềnh mây trôi”. Những câu thơ được cả tâm lẫn tình như thế, chắc chắn được hạ sinh bởi một người giàu trải nghiệm và hết lòng với cuộc sống.
“Hoa bông trang” là một bài thơ mà đọc xong, nhiều người sẽ thấy yêu cuộc sống này hơn, đồng thời như một phát hiện giúp người đọc không bao giờ được phép bỏ quên vẻ đẹp của đời sống dù là bình thường nhất, dễ cho qua nhất: “Giữa vùng đồi trọc cằn trơ/ Mắt tôi bỗng gặp sững sờ bông trang/ Dưới cao xanh nắng chang chang/ Bông trang đỏ thắm đỏ sang cả chiều”. Câu "Bông trang đỏ thắm đỏ sang cả chiều" là câu chốt, góp phần nâng vực cả tứ thơ. Và, bên cạnh “Hoa bông trang” còn có “Hoa dẻ”. “Hoa dẻ” gắn với người, mang tâm trạng nhớ thương, nuối tiếc không dứt: “Ngày ấy tóc em thơm hoa dẻ/ Bâng khuâng sông núi biếc ngàn cây/ Tôi xa bản Thái mười năm nhớ/ Hương cứ dùng dằng, hoa cứ lay...”.
Võ Văn Vinh sở hữu nhiều câu thơ đẹp, đáng nhớ và tràn đầy tình yêu thương vạn vật. Có thể trích dẫn: “Cây lấm bụi chợt xanh lên bỡ ngỡ/ Phố núi dịu dàng ẩm ướt sau mưa” (“Phố núi”); “Tuổi thơ mất hút bên trời/ Còn miên man gió hát lời vu vơ/ Ô kìa, cỏ biếc ngày xưa/ Chợt về xanh cả ý thơ cuối chiều” (“Chợt”); “Hồn tôi chết đuối mất thôi/ Bến sông nghe vẳng tiếng người gặp nhau” (“Bến Kim Đa”)…
Võ Văn Vinh gắn bó, chia sẻ với đời sống của ông, hiện thực sống của ông đến nỗi: “Nghe mưa thấm cả nỗi ngày rỗng rênh” (“Giao mùa”). Chỉ có mỗi hình ảnh một đứa bé đánh rơi đôi giày trên đường thôi, cũng ám ảnh ông: “Bé ơi, làm sao tôi quên được/ Đôi mắt trong veo ngơ ngác/ Cái miệng cười thật xinh/ Đôi chân nhỏ xíu mang đôi giày luôn quẫy đạp/ Giữa cơn mơ/ Trong giấc ngủ của mình” (“Đôi giày bé thơ”). Ám ảnh ông hơn nữa là khi chứng kiến: “Những con nhện rút tơ mình chăng lưới/ Lặng lẽ mưu sinh”, như tự lòng mình, ông thốt lên: “Những con nhện bơ vơ tội nghiệp/ Trong ngôi nhà sáng điện của tôi” (“Sự hụt hẫng”).
Cũng có lúc Võ Văn Vinh cảm thấy mình chưa sống hết mình vì người, vì thơ theo sự xác quyết của một thi nhân. Bởi thế mà trong “Không đề”, ông mới viết: “Mai rồi về với hư vô/ Chỉ lo sự nhạt còn trơ xanh rờn/ Tiếc mình chưa thật cô đơn/ Và chưa đến tận nỗi buồn mênh mang...”.
Võ Văn Vinh thường cho rằng: Thơ nên hướng vào sự hữu ích và vì cái chung. Thơ không thể xa rời đời sống và phải là một phần của đời sống. Có như vậy, nhịp cầu giữa người làm thơ và người thưởng thức thơ, yêu thơ mới trở nên bền vững. Ông rất tâm đắc bốn câu thơ của nhà thơ lớn người Hungari Pêtôphi: “Nếu anh chỉ đến hát/ Niềm vui khổ riêng tư/ Thì đời không chờ đợi/ Hãy vứt cây đàn thiêng”.
Cách nay không lâu, tập thơ “Biển và cây xương rồng” của Võ Văn Vinh đã được Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An trao giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương - giải thưởng văn học nghệ thuật cấp tỉnh được tổ chức định kỳ 5 năm một lần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.