(HNM) - Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện thiết lập lại đường dây nóng (ĐDN) để tiếp nhận kiến nghị của nhân dân. Bởi có một thực tế là trong số các sở, ngành, đơn vị có ĐDN, không phải đường dây nào cũng
Cán bộ trực đường dây nóng tại Sở Tư pháp Hà Nội. |
Nơi "nóng", nơi "nguội"
ĐDN về thủ tục hành chính (TTHC) của Sở Tư pháp 04.39346034 không "nóng" như mong đợi. Trưởng phòng Kiểm soát TTHC Nguyễn Bá Vinh cho biết, có ngày, đường dây không nhận được cuộc gọi nào, có ngày chỉ vài ba cuộc, phần lớn là thắc mắc về các thủ tục, thông tin khiếu nại về cán bộ sách nhiễu dân rất hạn chế. Sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, cán bộ trực ĐDN sẽ kiểm tra, xác minh và trao đổi với đơn vị đang giải quyết TTHC. "Để tiện cho việc tiếp nhận, Phòng Kiểm soát TTHC đã bố trí hai ống nghe cho số điện thoại ĐDN" - cán bộ thường trực ĐDN của Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Văn Đăng cho biết.
Đơn cử một vụ việc mới nhất mà ĐDN của Sở Tư pháp đã giải quyết, đó là ngày 20-4-2016, tại bộ phận "một cửa" quận Thanh Xuân, công dân Lê Hoài Phương đến xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Theo phản ánh của ông Phương, hồ sơ theo quy định của pháp luật đã đủ, tuy nhiên cán bộ tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản phô tô.
"Yêu cầu này không cần thiết, vì ông Phương đã trình được Hợp đồng thuê nhà. Sau khi công dân gọi cho ĐDN, bộ phận tiếp nhận đã báo cáo với lãnh đạo Phòng và ngay lập tức chúng tôi liên lạc với Phòng Tư pháp quận Thanh Xuân để giải quyết" - ông Vinh cho biết. Hiệu quả là vậy nhưng suốt thời gian từ tháng 11-2013 đến nay, ĐDN của Sở Tư pháp chỉ tiếp nhận tổng cộng 29 vụ việc. Ông Nguyễn Bá Vinh nhận định: Thực tế không phải là việc giải quyết TTHC đã trơn tru, mà do người dân không biết số ĐDN để phản ánh.
Tại Sở Nội vụ, do di chuyển cơ quan tạm thời từ trụ sở 18 Lê Thánh Tông đến số 1 Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy) nên số máy ĐDN 04.39335176 đăng trên trang thông tin của Sở không hoạt động. Hiện nay, người dân, tổ chức, cơ quan có thắc mắc thì gọi theo số máy của Văn phòng Sở là 04.39335176. Theo Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu, từ ngày chuyển sang làm việc tạm thời tại trụ sở mới, Sở chưa công bố trên trang thông tin về thay đổi số điện thoại, tuy nhiên một số người dân đã dò tìm được số máy của Chánh Văn phòng để hỏi.
"Số máy này do Chánh Văn phòng trực, tiếp nhận và trả lời. Nội dung đa số hỏi về tuyển dụng viên chức, thời gian gần đây hỏi nhiều về bầu cử, thắc mắc vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết…" - bà Liễu chia sẻ. Trao đổi về việc: Có nhận được thông tin phản ánh về cán bộ cơ sở sách nhiễu công dân khi đến giải quyết TTHC không? Bà Nguyễn Thị Liễu khẳng định, trong quá trình trực tiếp nhận ý kiến chưa có cuộc điện thoại nào liên quan đến việc trên. Bà Liễu cũng cho biết, khi chuyển về trụ sở mới 18 Lê Thánh Tông, Sở sẽ công khai số điện thoại, hòm thư điện tử. Nhưng, việc này cần phải khắc phục ngay, không nên đợi khi có trụ sở mới.
Tại Sở Tài nguyên Môi trường, theo Chánh Văn phòng Trịnh Thị Kim Oanh, ĐDN 04.37731560 của Sở hoạt động "chuyên nghiệp" từ năm 2006 đến nay, luôn có một thanh tra viên trực và trả lời công dân. Ngoài số điện thoại "nóng", Sở TNMT công khai số điện thoại của lãnh đạo Sở, Chánh Văn phòng và tiếp nhận ý kiến từ trang web, hộp thư điện tử...
Trong phạm vi quản lý của Sở TNMT, "nóng" nhất vẫn là lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhận thức được thực tế này, Sở đã chỉ đạo công khai số điện thoại, hộp thư điện tử cho ĐDN của Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội (số ĐT 04.37344995) và lãnh đạo Phòng Hành chính tổng hợp (số ĐT 04.37344996). Theo ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, việc tiếp nhận ý kiến người dân qua thư điện tử, số điện thoại ĐDN bảo đảm việc xử lý thông tin nhanh chóng, kịp thời, nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm.
Phải có đường dây nóng
Lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đều khẳng định tính hiệu quả và sự cần thiết phải duy trì nghiêm túc hoạt động của ĐDN. Tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) 2 số điện thoại ĐDN được công khai là 04.85893082 và 098.3613966. Ông Nguyễn Hồng Đạt, Chánh Văn phòng Sở GTVT cho biết ĐDN của Sở hoạt động 24/24h và 7/7 ngày trong tuần, trong đó số máy di động trực tiếp do Chánh Văn phòng quản lý. Giao thông là lĩnh vực "nóng" ở Thủ đô, vì thế kể từ khi ĐDN vào hoạt động chuyên nghiệp (tháng 8-2015 đến nay) đã tiếp nhận hàng trăm lượt ý kiến (bình quân 35 ý kiến/tuần), nội dung phản ánh tập trung các vấn đề như cấp, đổi giấy phép lái xe, quản lý vận tải, xe quá khổ quá tải, điều tiết giao thông, biển báo chưa phù hợp…
Hình thức tổ chức ĐDN của Sở GTVT khoa học, bài bản theo đúng quy chế được ban hành, trong đó quy định rõ trách nhiệm xử lý thông tin ĐDN từ ban giám đốc đến lãnh đạo các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc. Theo đó, hằng tuần Văn phòng Sở có trách nhiệm tổng hợp ý kiến phản ánh của công dân và báo cáo Giám đốc Sở giải quyết. "Các phản ánh bảo đảm thông tin xác thực được Giám đốc Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị giải quyết và đề rõ ngày giờ hoàn thành để trả lời công dân theo số điện thoại được lưu lại" - ông Đạt cho biết.
Chỉ tính trong một tuần gần đây (từ ngày 11-4 đến 17-4-2016), Sở GTVT nhận được 38 ý kiến phản ánh qua ĐDN, trong đó 29 ý kiến qua điện thoại, 2 ý kiến qua trang web và 7 ý kiến qua hòm thư điện tử. Báo cáo giải quyết đến ngày 19-4-2016 của Văn phòng Sở cho biết có 2 câu hỏi đã quá hạn nhưng Phòng Quản lý giao thông đô thị chưa trả lời công dân, gồm: "Đề nghị kiểm tra tính hợp lý của biển hạn chế tốc độ (có hình ảnh kèm theo) và đã 10 ngày nay đoạn công trường đang thi công ở số 273 Cầu Giấy bụi bẩn, ô nhiễm". Về tính hiệu quả của ĐDN, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Phương nhận định: Từ khi ĐDN đi vào hoạt động số lượng đơn thư khiếu nại, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực GTVT giảm rõ rệt. "Thiết lập, vận hành ĐDN là rất cần thiết, qua đây tăng cường công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Sở và nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo phòng, ban, đơn vị trực thuộc" - ông Phương nhận định.
Về thực trạng hoạt động của ĐDN, ông Nguyễn Bá Vinh (Sở Tư pháp) nêu thực tế ở bộ phận "một cửa" các xã, phường, thị trấn, không phải đơn vị nào cũng niêm yết số điện thoại ĐDN nên người dân khi bức xúc không biết gọi đến đâu. Để ĐDN thật sự mang lại hiệu quả, ông Vinh cho rằng: Trước mắt phải tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, công bố ĐDN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại cơ quan tiếp nhận TTHC cần phải niêm yết công khai hòm thư phản ánh, số điện thoại cơ quan kiểm soát, đặc biệt cần hướng dẫn quy trình kiến nghị phản ánh cho người dân. Cần thiết hơn nữa là công tác phối hợp liên thông giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Bởi thực tế, đã có vụ việc phức tạp, nhưng nhờ sự liên thông tốt nên giải đáp thắc mắc của người dân được ngay. Đồng tình với quan điểm này, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho rằng: Các sở, ngành, quận, huyện cần công khai, duy trì ĐDN, trong đó người tiếp nhận thông tin phải có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và khai thác thông tin.
Thực tế cho thấy, về công tác tổ chức ĐDN, ở cấp độ sở ngành, bộ phận tổng hợp đảm nhận vai trò phụ trách ĐDN là phù hợp và việc thiết lập ĐDN cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc sở… là rất cần thiết. Đây chính là kênh tiếp nhận thông tin quan trọng để nắm rõ hoạt động điều hành, chỉ đạo của UBND thành phố đến cơ sở có thông suốt hay không.
Tuy nhiên, để ĐDN của các đồng chí lãnh đạo thành phố hoạt động hiệu quả cần tổ chức một bộ phận thường trực giúp việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, sau đó báo cáo lãnh đạo giải quyết. Về vấn đề này, ông Lê Đình Kình, Thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho rằng quan trọng nhất là khi tiếp nhận ý kiến qua ĐDN các cơ quan chức năng cần khẩn trương và nghiêm túc trả lời công dân, nếu không thực hiện được điều này thì ĐDN sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Luật sư Cao Xuân Vượng - Đoàn luật sư Hà Nội: Thiết lập và vận hành ĐDN hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan, đơn vị và địa phương trong điều hành, quản lý lĩnh vực phụ trách. Việc này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, phản ánh bức xúc một cách nhanh nhất đến tập thể, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết; vừa công khai, minh bạch các hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, ban, ngành địa phương. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.