Chính trị

Hai trụ cột cải cách và giải pháp bảo đảm kiến tạo nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

TS Nguyễn Trọng Phú (Chuyên viên Cao cấp, Văn phòng Đảng ủy Chính phủ) 13/05/2025 11:20

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước ta đã xác định hai trụ cột chiến lược là tinh gọn tổ chức bộ máy và hoàn thiện thể chế.

Mặc dù có nhiều tích cực và thuận lợi, nhưng làm sao để quá trình thực hiện tiếp theo luôn bảo đảm một cách liền mạch, đạt mục tiêu kiến tạo nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả... vẫn là thách thức lớn. Vậy, cần những giải pháp gì để vượt qua thách thức này?

Tinh gọn tổ chức bộ máy - nền tảng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước

Theo Ban Tổ chức Trung ương, cả nước dự kiến hoàn thành chuyển đổi sang mô hình hai cấp, giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh, tái cấu trúc đáng kể cấp xã/phường và tinh giản gần 130.000 biên chế trong hệ thống hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là bảo đảm quá trình chuyển đổi diễn ra liền mạch, không gây xáo trộn hay đình trệ hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Thách thức này trực tiếp gắn với "bài toán" giải quyết triệt để vấn đề nhân sự sau sáp nhập và tinh giản biên chế.

Thực tiễn cho thấy, sau khi hợp nhất, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng “gộp mà không gắn”, cơ cấu và phương thức làm việc cũ chưa thay đổi đồng bộ, dẫn đến tình trạng phổ biến: Đội ngũ cán bộ sau tinh gọn vẫn "vừa thừa" (người không phù hợp), "vừa thiếu" (người có năng lực, kỹ năng cần thiết) và "vừa yếu" (khả năng thích ứng, đổi mới hạn chế).

tuanhdnd.jpg
HĐND thành phố Hà Nội họp chuyên đề xem xét, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội với 126 xã, phường. Ảnh: Viết Thành

Để khắc phục căn bản tình trạng này, bảo đảm tính liền mạch và hiệu quả hoạt động, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính nền tảng.

Trước hết, cần thiết kế cấu trúc nhiệm vụ và quy trình làm việc phù hợp, trong đó cần phân tích kỹ lưỡng chức năng, phân luồng công việc và xây dựng quy trình vận hành chuẩn hóa, minh bạch, tránh tình trạng “vỏ mới - ruột cũ”.

Đồng thời khẩn trương xây dựng công cụ, quy trình điều hành bộ máy mới trên nền tảng số hóa; phát triển và áp dụng đồng bộ các công cụ số, hệ thống quản lý dựa trên vị trí việc làm, nền tảng dữ liệu liên thông.

Song song đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi liền với cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình rõ ràng; bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời của thể chế pháp luật hỗ trợ quá trình tinh gọn bộ máy; ban hành ngay các cơ chế, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng rút gọn; xây dựng chính sách nhân sự khoa học, nhân văn và kiến tạo cơ hội; xây dựng quy trình sàng lọc, đánh giá khách quan, công tâm nhằm giữ lại và phát huy những người thực sự cần thiết.

Về chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế cũng cần đảm bảo sự công bằng, nhân văn, kiến tạo cơ hội thực chất để họ chuyển đổi thành công. Đặc biệt, cần xây dựng văn hóa tổ chức mới, trong đó thúc đẩy văn hóa làm việc linh hoạt, hợp tác, chia sẻ thông tin, trách nhiệm giải trình cá nhân và hướng tới hiệu suất.

Việc điều chỉnh mô hình tổ chức ảnh hưởng lớn đến tâm lý cán bộ, công chức, do đó quá trình tinh gọn bộ máy cần đặc biệt chú trọng khía cạnh con người, đi kèm với cơ chế chuyển đổi linh hoạt, hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng cần thiết, bảo đảm không gây gián đoạn công vụ và duy trì động lực đội ngũ.

Hoàn thiện thể chế - đột phá thúc đẩy phát triển

Nếu tinh gọn tổ chức bộ máy là điều kiện cần, thì hoàn thiện thể chế là điều kiện đủ, giữ vai trò định hướng và bảo đảm sự ổn định, bền vững cho tiến trình cải cách. Mọi đổi mới về tổ chức, nhân sự, thủ tục hành chính đều cần được triển khai trong khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng và đủ sức thúc đẩy phát triển. Do đó, việc xây dựng và ban hành thể chế, văn bản quy phạm pháp luật phải đồng bộ, kịp thời để điều chỉnh hoạt động của bộ máy mới, tránh gây đứt quãng, lúng túng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là khâu “đột phá của đột phá”. Thời gian gần đây, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật có chuyển biến tích cực về tiến độ và tính thống nhất. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để thể chế, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đủ nhanh, đủ đồng bộ và chi tiết để kịp thời điều chỉnh hoạt động của bộ máy mới sau sắp xếp, tránh tình trạng "khoảng trống pháp lý" hoặc sự lúng túng. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, vẫn còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật. Sự chậm trễ này trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng vận hành thông suốt của các cơ quan, đơn vị mới, gây lúng túng cho cán bộ, công chức và tiềm ẩn nguy cơ gây đứt quãng, đình trệ hoạt động.

Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình" đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của công tác xây dựng và thi hành pháp luật: "Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý... chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn...".

Để thể chế thực sự đáp ứng yêu cầu điều hành trong bối cảnh mới và các lĩnh vực mới (chuyển đổi số, dữ liệu lớn, kinh tế tuần hoàn hay trí tuệ nhân tạo), cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng mở, linh hoạt và kịp thời hơn nữa. Thể chế cần chuyển mạnh từ vai trò kiểm soát sang vai trò kiến tạo, đồng hành cùng tổ chức bộ máy và con người trong xây dựng nền hành chính hiện đại.

Điều quan trọng là phải tiếp tục khắc phục các tồn tại và nâng cao năng lực phản ứng chính sách, đặc biệt là bảo đảm thể chế được ban hành kịp thời, đồng bộ, phục vụ hiệu quả bộ máy mới và không gây đứt quãng hoạt động, đồng thời đổi mới quy trình lập pháp theo hướng khoa học, có cơ sở dữ liệu đánh giá tác động và kiểm chứng chính sách. Cụ thể, cần xác định chính xác vấn đề cần điều chỉnh và mức độ ưu tiên, gắn với trách nhiệm giải trình rõ ràng ở từng khâu soạn thảo và phê duyệt. Cải tiến kỹ thuật lập pháp và cách trình bày luật bảo đảm rõ ràng về phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, trách nhiệm thi hành, cơ chế xử lý và cập nhật định kỳ. Xây dựng thể chế mở với “bản đồ pháp lý số hóa” và nền tảng tra cứu thông minh. Kịp thời luật hóa các chủ trương cải cách lớn như phân cấp, tinh gọn bộ máy (đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương hai cấp), chuyển đổi số, dữ liệu mở...

khai-mac8.jpg
Quốc hội nghe tờ trình đề nghị xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại ngày khai mạc Kỳ họp thứ chín (5-5-2025). Ảnh: Quochoi.vn

Giải pháp thực thi đồng bộ và hiệu quả

Để hiện thực hóa hai trụ cột chiến lược trong bối cảnh thách thức hiện tại, cần có các giải pháp tổng thể, liên thông, có khả năng thực thi và giám sát rõ ràng. Các giải pháp phải tập trung giải quyết căn bản các vấn đề về tính liền mạch hoạt động, sự đồng bộ của thể chế và tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu, vừa yếu" trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Trong đó, ở cấp Trung ương, từ thực tiễn đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính các cấp theo đúng lộ trình và định hướng của Đảng, Nhà nước. Ưu tiên chỉ đạo xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để điều chỉnh hoạt động của các mô hình tổ chức mới. Chỉ đạo xây dựng và ban hành bộ chỉ số cải cách hành chính tích hợp thời gian thực, công khai, trong đó bao gồm chỉ số đánh giá chất lượng, sự phù hợp của đội ngũ cán bộ sau tinh gọn. Kịp thời luật hóa ngay sau khi hình thành mô hình tổ chức “hai cấp chính quyền - ba cấp hành chính” tại các địa phương đáp ứng điều kiện cần thiết. Ban hành các chính sách tổng thể về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn liền với vị trí việc làm và khung năng lực chuẩn.

Đối với các bộ, ngành, cần rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quy trình làm việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, xây dựng “bản đồ chức năng điện tử” và “bản đồ quy trình làm việc số hóa”. Bên cạnh đó, chuẩn hóa quy trình vận hành và tác nghiệp theo mô hình Quy trình vận hành chuẩn SOP (Standard Operating Procedure), áp dụng trên nền tảng mã nguồn mở; xây dựng hệ thống vị trí việc làm chi tiết, đi kèm với khung năng lực chuẩn và quy trình đánh giá cán bộ minh bạch, khách quan; xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá cải cách (KPI) riêng cho từng bộ, ngành; tăng cường năng lực tham mưu tổng hợp và kiểm soát nội bộ.

Đối với cấp địa phương, điều cần thiết là tập trung triển khai hoàn thành Đề án tái cấu trúc tổ chức hành chính địa phương giai đoạn 2025-2026 theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt chú trọng xây dựng phương án nhân sự chi tiết, kế hoạch đào tạo lại và cơ chế chuyển đổi phù hợp. Nghiên cứu ứng dụng phần mềm bản đồ địa giới - hành chính - dân cư tích hợp thông tin nhân sự; thiết lập hệ thống thu nhận phản ánh, đánh giá cải cách từ cộng đồng; nâng cao năng lực thực thi tại cấp cơ sở bằng việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng bộ quy trình chuẩn, cẩm nang nghiệp vụ.

Ngoài ra, không thể thiếu cơ chế nguồn lực, giám sát và động lực cải cách tổng thể như bảo đảm nguồn lực tài chính và đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp; xây dựng cơ chế ủy quyền và khuyến khích sự chủ động, sáng tạo trong thực thi; áp dụng cơ chế thử nghiệm (Piloting) và học hỏi từ thực tiễn; gắn kết quả cải cách với trách nhiệm người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát, phản biện của Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng. Một biện pháp cần thiết khác là xây dựng cơ chế đánh giá tác động "hậu cải cách" và điều chỉnh linh hoạt.

Hai trụ cột cải cách hành chính - tinh gọn bộ máy và hoàn thiện thể chế là những nền tảng chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia trong bối cảnh mới. Để cải cách thực sự đi vào thực chất và bền vững, cần đặt hai trụ cột này trong một kiến trúc cải cách tổng thể, nơi thể chế là nền tảng pháp lý; tổ chức bộ máy là công cụ thực thi; còn đội ngũ cán bộ là động lực triển khai.
Các giải pháp cần tập trung vào việc đồng bộ hóa thể chế và tổ chức; gắn tinh gọn bộ máy với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dựa trên vị trí việc làm; bảo đảm mọi thay đổi diễn ra liền mạch và có kiểm soát.

Gắn cải cách với trách nhiệm giải trình, phân bổ nguồn lực hợp lý, thúc đẩy phản hồi xã hội và đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là các yếu tố then chốt để giải quyết được các thách thức hiện hữu.

Với cách tiếp cận hệ thống, bài bản và phù hợp thực tiễn, Việt Nam hoàn toàn có thể kiến tạo một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế; xây dựng một bộ máy thực sự tinh gọn, mạnh mẽ và đội ngũ cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai trụ cột cải cách và giải pháp bảo đảm kiến tạo nền hành chính hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.