Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để dung dịch khử khuẩn trên ô tô dưới trời nắng nóng có gây cháy không?

Hoàng Linh| 22/05/2020 17:07

(HNMO) - Lực lượng cứu hỏa tại bang Wisconsin (Mỹ) vừa cảnh báo người dân về nguy cơ cháy nếu để các chai lọ chứa dung dịch khử trùng tay trong ô tô dưới thời tiết nắng nóng mùa hè.

Nhiều người thường để sẵn dung dịch khử trùng trong ô tô để tiện sử dụng trong bối cảnh Covid-19 lây lan.

Thông tin trên đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi về nguy cơ đến từ những chai dung dịch rửa tay, khử khuẩn, tiệt trùng… vốn đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu nhằm phòng ngừa sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. 

Theo thông báo, hầu hết các dung dịch khử trùng (bao gồm cả dạng nước lẫn dạng gel) đều có chứa hóa chất gốc cồn dễ cháy. Việc để các loại chai nhựa chứa chất lỏng trong xe ô tô dưới ánh nắng chói chang có thể gây hiệu ứng hội tụ tương tự các loại thấu kính, khiến một số vùng nhiệt độ tăng lên, dẫn tới nguy cơ cháy. 

Thông báo của cơ quan cứu hỏa bang Wisconsin được đưa ra cùng với một thông báo khác của Hiệp hội Chống hỏa hoạn quốc gia Mỹ (NFPA), khuyến cáo người dân nước này không nên tích trữ lượng lớn dung dịch khử trùng để tránh nguy cơ hỏa hoạn. 

Tuy nhiên, liệu dung dịch khử trùng có trở thành nguyên nhân gây cháy ô tô hay không vẫn là điều gây tranh cãi.

Theo Viện nghiên cứu Poynter (St Petersburg, Mỹ), nhiệt độ trong khoang lái của ô tô phải đạt tới ít nhất là 300 độ C mới đủ để các loại dung dịch khử trùng phổ biến tự bốc cháy. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Arizona ghi nhận nhiệt độ trong xe ô tô không vượt ngưỡng 70 độ C. Do đó, hiện tượng dung dịch tự bốc cháy - nếu có xảy ra - là vô cùng hiếm hoi. 

Bức ảnh được lực lượng cứu hỏa Western Lake (bang Wisconsin) công bố liên quan đến hiện tượng cháy do để các chai dung dịch khử trùng trong ô tô.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo mọi người không nên để dung dịch khử trùng trong xe ô tô giữa mùa hè nóng nực. Lý do là bởi những loại dung dịch phổ biến được các cơ quan y tế khuyên dùng hiện nay thường có nồng độ cồn tối thiểu 60% (đủ để diệt vi khuẩn), có thể chuyển thành dạng khí ngay cả ở nhiệt độ thông thường. 

Loại khí cồn này có khả năng bắt cháy dễ hơn nhiều so với khi nằm trong dung dịch. Một số loại dung dịch khử trùng trên thị trường thậm chí sử dụng cồn với nồng độ cao hơn nhiều, đồng nghĩa với việc nguy cơ rủi ro sẽ tăng lên. 

Mặt khác, theo giáo sư Greg Boyce (Trường Đại học Vịnh Florida), việc để các loại dung dịch khử trùng trong ô tô dưới nắng nóng trong thời gian dài cũng sẽ khiến các thành phần cồn bay hơi, dẫn tới hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn bị suy giảm theo thời gian. 

Nếu thực sự muốn để dung dịch khử trùng trong khoang lái để tiện sử dụng, mỗi người chỉ nên để một lượng nhỏ trong chai đựng kín và đặt ở những nơi không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để dung dịch khử khuẩn trên ô tô dưới trời nắng nóng có gây cháy không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.