(HNM) - Muốn thu hút được khách du lịch, đạt mục tiêu tăng nguồn thu, phải có những giải pháp thiết thực, tăng sức hấp dẫn của điểm đến và phải lấy du khách làm trung tâm. Đó là vấn đề được quan tâm nhất tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam lần thứ 2 - năm 2019, với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh”, diễn ra ngày 9-12, tại Hà Nội.
Diễn đàn do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức. Đây là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công - tư quy mô quốc gia, nhằm tạo sự bứt phá bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Du khách vẫn chưa quay lại
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, du lịch là một trong những ngành kinh tế mà Việt Nam có nhiều lợi thế và còn nhiều dư địa để phát triển, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,8%/năm. Trong 11 tháng của năm 2019, đã có gần 16,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Thế nhưng, theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, dù nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, song tỷ lệ khách quay trở lại thấp (từ 10% đến 40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng không cao, khoảng 900 USD/tour 9 ngày. Một trong những lý do dẫn đến việc này là các điểm du lịch tại Việt Nam vẫn chưa mang đến những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn du khách.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cho biết, nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam có quá ít sản phẩm mang tính sáng tạo để du khách lựa chọn. Những chương trình thực cảnh như “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Hà Nội, hay “Ký ức Hội An” ở Hội An (Quảng Nam) rất thu hút du khách, nhưng không có nhiều nơi đầu tư, làm được, mà thường chỉ tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có.
Còn theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhiều điểm đến tại Việt Nam có tiềm năng về du lịch đường sông, đường biển, song lại không được khai thác triệt để. "Việc không có một quy hoạch toàn diện về hạ tầng giao thông liên quan đến du lịch, khiến việc đầu tư về hạ tầng chưa đáp ứng kỳ vọng", bà Nguyễn Lê Hương nhận định. Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Hoàng Dũng Nguyễn Chí Thanh cho rằng vẫn còn có sự e ngại từ phía doanh nghiệp lữ hành khi tiếp cận những thành tựu công nghệ thông tin mới, nhằm tối đa hóa dữ liệu khách hàng, để mang đến những trải nghiệm mới mẻ hơn cho khách.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du khách luôn là trung tâm của kinh doanh du lịch. Nếu không có những hoạt động để du khách trải nghiệm tối đa ở điểm đến, thì sẽ khó khiến họ quay lại hoặc thu hút những du khách khác.
Đa dạng hóa các giải pháp
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, thời gian qua cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam có những chỉ số còn ở mức thấp. Cải thiện điều này để Việt Nam trở thành điểm đến xứng đáng quay lại với du khách, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp mang tính đột phá.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty Travelmark đề xuất, theo một lộ trình nhất định, cần tính toán đến việc xã hội hóa các điểm đến du lịch khai thác không hiệu quả. Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, cần có quy định về áp dụng công nghệ quản lý số với các điểm đến du lịch, hay khai thác lợi thế về thiên nhiên để tạo đà phát triển du lịch đường sông - một trong những điểm sẽ khiến du lịch Việt Nam tạo nên khác biệt với nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, cũng cần xã hội hóa trong khâu đào tạo nguồn nhân lực, bởi hiện tại ở nước ta vẫn còn tới 40% nhân lực chưa qua đào tạo kỹ năng du lịch.
Dưới góc độ một chuyên gia du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất, cần xây dựng bộ tiêu chí quản lý, xác định thứ hạng điểm đến bởi một đơn vị độc lập, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội du lịch, người dân địa phương… Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch đề cập: "Đây sẽ là cách để thúc đẩy các đơn vị quản lý điểm đến du lịch có trách nhiệm hơn. Nếu không, điểm đến đó sẽ phải nhận những đánh giá không tích cực, ảnh hưởng đến thu hút khách".
Về phía doanh nghiệp lữ hành, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel đề xuất, bên cạnh khai thác thế mạnh đường thủy cần phát triển hệ thống đường bộ vào các điểm đến để tăng sự trải nghiệm, thu hút du khách, giúp du lịch Việt Nam tiến xa hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng khẳng định, dù đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, song du lịch Việt Nam vẫn cần phải giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là phải nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ thì mới có khả năng tạo bứt phá, tăng năng lực cạnh tranh để thực hiện mục tiêu vào năm 2025 đạt tổng thu từ du lịch 45 tỷ USD, đóng góp trên 10% GDP cả nước.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý... cũng đã thảo luận về việc tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; cải thiện quá trình lập kế hoạch, đặt dịch vụ của du khách; phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch. Ngoài ra, Hội đồng Tư vấn du lịch còn tổ chức công bố thành lập 2 văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Anh và Australia từ năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.