(HNMCT) - Trong kho tàng văn học dân gian Ấn Độ có hai bộ sử thi đồ sộ nổi tiếng thế giới là Ramayana và Mahabharata với từ 2 - 4 vạn khổ thơ mỗi bộ. Nếu như bộ Ramayana là câu chuyện về tình yêu, gia đình thì bộ Mahabharata kể về những cuộc chiến vương quyền gay gắt. Nhưng hơn thế, như tục ngữ Ấn Độ từng có câu: “Cái gì không tìm thấy ở trong Mahabharata thì cũng không thể tìm thấy được ở Ấn Độ”.
Sử thi Mahabharata được ví như đại dương mênh mông, chứa đựng nhiều kiến thức liên quan đến triết học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử... Giới thiệu Mahabharata với độc giả Việt Nam, mới đây, Đông A books và NXB Dân Trí liên kết ấn hành tác phẩm “Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ”.
Được coi là thánh kinh của người Ấn Độ, là một trong những bộ sách quan trọng bậc nhất lịch sử loài người, đọc Mahabharata là một cách để tìm hiểu và có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa của cộng đồng tôn giáo 1,2 tỷ người trên khắp thế giới. Tuy nhiên, với khoảng cách lịch sử mấy ngàn năm và độ dài hơn 90.000 câu thơ đôi viết bằng ngôn ngữ Sanskrit, việc đọc và hiểu pho sử thi này trở thành một thách thức với độc giả. Đặc biệt, để hiểu Mahabharata trọn vẹn, cần phải có kiến thức về địa lý, niên biểu lịch sử, chuẩn mực xã hội, nghi lễ, các tín ngưỡng và việc thực hành tín ngưỡng..., đó là điều mà nhiều độc giả đương đại khó đạt được. Bởi thế, tác phẩm “Mahabharata bằng hình” như cuốn sách “chỉ đường” đầy lý thú cho bạn đọc muốn khám phá Mahabharata, đưa đến cho người đọc cái nhìn sáng rõ về sử thi này, cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến triết học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử...
Mặc dù đã có nhiều phiên bản, nhưng “Mahabharata bằng hình” khác biệt và hấp dẫn bởi mang đến một bữa tiệc thị giác cho người đọc với nhiều minh họa chi tiết gồm các bản thảo chép tay, tranh vẽ, tranh in khắc... Cuốn sách giới thiệu vị trí của Mahabharata trong hệ thống tác phẩm kinh điển Ấn Độ giáo, cấu trúc của bộ sử thi, cung cấp kiến thức về địa lý, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, chuẩn mực xã hội... cần có để đọc hiểu Mahabharata.
Song “Mahabharata bằng hình” không chỉ là một bản kể lại có minh họa, mà còn bổ sung những sự kiện và hình ảnh, chi tiết và tỉ mỉ, góp phần lý giải về sự hình thành xung quanh bộ sử thi cả một không gian kết nối giữa văn hóa dân gian, đại chúng và văn chương kinh điển Ấn Độ. “Mahabharata bằng hình” có bìa cứng, được in màu toàn bộ trên giấy chất lượng cao, do dịch giả Lê Thị Oanh giới thiệu và nhà văn Hồ Anh Thái hiệu đính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.